Xót xa hoàn cảnh cô giáo cả cuộc đời chỉ có 3 năm đứng lớp
Hơn 70 tuổi cô giáo Hà Thị Mai chỉ vỏn vẹn đứng trên bục giảng 3 năm, thời gian còn lại là gắn liền với chiếc giường dát tre.
Trong ngôi nhà 3 gian chông chênh trên mỏm đất của bà Hà Thị Phương ở thôn Dung, xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê, (Phú Thọ) tôi được nghe câu chuyện về cô giáo Mai - cô giáo mà suốt cuộc đời chỉ vỏn vẹn 3 năm đứng trên bục giảng.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây ở độ tuổi xuân xanh, cô giáo Hà Thị Mai lúc đó 22 tuổi cái tuổi đầy ước mơ hoài bão của sức trẻ. Nhưng ai ngờ thời gian đứng lớp tại trường tiểu học Ngô Xá, huyện Cẩm Khê chỉ vỏn vẹn 3 năm (1965 -1969).
Lần ấy trong một lần chấm thi trở về nhà cô bất ngờ bị mờ mắt, sau đó cơn đau dữ dội kéo đến đã khiến nửa người không thể nào cử động được. Từ một cô giáo xinh xắn, giỏi giang bỗng trở thành người thực vật, đến vệ sinh cá nhân không làm được.
Cứ như vậy hơn 70 năm qua cô sống nhờ vào bàn tay của mẹ, mẹ mất, tất cả đều nhờ vào bàn tay cô cháu nghèo sống trong căn nhà lá, vách liếp nhỏ manh, chông chênh trên mỏm đồi.
Khi thấy có người lạ vào thăm cô Mai cất tiếng chào, giọng nói còn khá lưu loát dễ nghe. Tuổi đã cao, trí nhớ đã kém nên nói chuyện với tôi cô Mai không còn nhớ nổi những kỷ niệm về mái trường, các em học sinh của mình.
Cô chỉ biết cứ ngày 20/11 hàng năm lại có học sinh đến thăm, hỏi han, giúp đỡ gia đình. Các em học sinh cùng nhắc lại kỷ niệm ít ỏi về cô, những lúc đó cô chỉ cười vào nói: “Thế à? Cô chẳng nhớ gì đâu!”. Thời gian vô tình làm xóa đi tất cả kỷ niệm về mái trường, các em học sinh, đồng nghiệp, nối dài thêm nỗi nhớ viên phấn, bục giảng.
Bà Hà Thị Phương năm nay 65 tuổi (là cháu ruột, gọi cô giáo Hà Thị Mai là dì – PV) khóe mắt đỏ hoe kể về gia đình, kể về quãng đời suốt hàng chục năm qua dì mình phải nằm liệt giường.
Bà cho biết, mùa hè hay mùa đông cũng vậy, vẫn chỉ có manh dát tre cho cô nằm, vì nhà quá ít người nên không có ai túc trực chăm sóc thường xuyên. Ngày trước còn ở nhà liếp tre, mái lá thì nền đất vệ sinh rất khổ, nay chuyển sang nhà mới có nền gạch hoa nên đỡ hơn. “Hôm nọ có một anh học sinh cũ của dì thấy hoàn cảnh như vậy mua bỉm về đóng, chứ suốt mấy chục năm qua đều tự tay tôi làm hết”, bà Phương nói.
Bà Phương có 5 người con, thì đến có 4 người không tròn vẹn:“Nó (2 người trai con bà Phương) không tinh nhanh như người khác nên làm việc gì cũng khó, năm nay hơn 30 cả rồi nhưng chưa có gia đình làm việc gì cũng lơ lửng, lửng lơ... buồn lắm chú à! Cả nhà có 5 người thì 3 người hưởng chính sách xã hội, còn mỗi thằng cu cả và cô con gái lành lặn lại lấy chồng xa”, bà Phương ngậm ngùi nói.
Kinh tế chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng sâu, miệng ăn thì đông người làm lại chỉ có mình bà Phương nên cuộc sống rất túng quẫn. Bà Phương cho biết, năm nay 4 sào lúa của gia đình bị mất mùa nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu, thế đành nho sắn ruôi ra, phơi khô để độn cơm ăn chờ mùa vụ sang năm.
Bà Phương dẫn tôi về phía căn nhà lá để củi và một số công cụ làm nông bần thần nói: “Đấy nhà bác ở trước đấy, may sao mấy năm vừa rồi Nhà nước hỗ trợ cậu bác (em ruột của bà Phương) xây được cái nhà 3 gian này mà bác được ở nhờ”.
“Nhà nước có hỗ trợ tiền xây nhà nhưng bác dồn tiền cho thằng cả xây nhà, không biết mai kia cậu nó về lấy lại nhà thì chúng tôi ở đâu?” - bà Phương nói.
Bà Tạ Thị Lâm - Trưởng khu dân cư số 1, xã Tam Sơn cho biết, trong khu có khoảng 3 trường hợp nằm liệt giường nhưng hoàn cảnh của cô giáo Hà Thị Mai neo đơn nhất, nhắc đến ai cũng thấy đau lòng.
Bà Lâm cho biết thêm, hiện gia đình bà Hà Thị Phương đang thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm qua. “Gia đình hết sức khó khăn vừa nuôi dưỡng dì tàn tật, chồng con hay ốm đau nên cuộc sống của bà Phương hết sức cơ cực”, bà Lâm nói./.