Đầu tiên phải kể đến Con đường gốm sứ. Một công trình được hoàn thành vào tháng 10/2010, nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Con đường gốm sứ dài gần 4.000 m, diện tích khoảng 7.000 m2 chạy dọc theo các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Con đường gốm sứ chính là bức tranh gốm đa dạng mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng.
Đã từng được tu sửa vào năm 2015 và 2017, nhưng tới nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.
Những vết nứt, bong tróc hiện nay đang rất cần được duy tu để bức tranh về văn hóa từ dân gian đến hiện đại, phản ánh thời kỳ đất nước đổi mới, phát triển mãi là nét đẹp của Thủ đô.
Dự án phố bích họa Phùng Hưng Hà Nội được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện từ ngày 3/11/2017 và khai trương vào ngày 02/02/2018, là điểm check-in được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi không gian sống ảo cực chất.
Những bức tranh bích họa về bách hóa tổng hợp, những người phụ nữ gánh hàng rong, tàu điện leng keng, ông đồ cho chữ…trên các vòm cầu gợi nhớ về những ký ức đẹp của Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay một vài hạng mục đã bị hỏng, tạo nên sự tiếc nuối với mỗi du khách khi đến tham quan
Cả mảng tường lớn đã bị vỡ...
Được triển khai từ đầu tháng 5/2019, các công trình “Bốt điện nở hoa” nhằm mục đích tuyên truyền cho nhân dân không vẽ, dán quảng cáo rao vặt trên các tủ điện, bốt điện gây mất mỹ quan đô thị. Đồng thời việc trang trí lại các bốt điện sẽ mang lại một hình ảnh mới, sáng hơn, đẹp hơn trên từng con phố.
Chủ đề chủ yếu được vẽ trên bốt điện là hoa và phố. Thông qua những bức họa, một Hà Nội xinh đẹp với 12 mùa hoa hay phố cổ thâm trầm đặc trưng đã được tái sinh một cách sinh động, trở thành điểm nhấn với người dân và du khách.
Nhiều người xót xa khi chứng kiến không ít bốt điện được vẽ thành những tác phẩm nghệ thuật nay lại chằng chịt nét chữ quảng cáo nguệch ngoạc, chi chít tờ rơi, quảng cáo rao vặt.
Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã biến toàn bộ khu vực bờ bãi chạy dọc sông Hồng vốn rất ô nhiễm trước đó thành khu vực sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời chạy dọc hơn 500m ven sông.
Từ những vỏ chai nhựa, tác phẩm “Thuyền” của tác giả Vũ Xuân Đông tạo nên hình dáng chiếc thuyền. Khi được mang ra trưng bày nó đã lan tỏa về ý thức bảo vệ môi trường từ rác thải nhựa.
Ra đời từ đầu năm 2020, không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân với 16 tác phẩm nghệ thuật trải dài trên những bức tường mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, môi trường và du lịch. Tuy nhiên đã có những hạng mục bắt đầu hư hỏng.
Rất mong ý thức bảo vệ của người dân cũng như sự vào cuộc của cơ quan quản lý để những không gian văn hóa mãi là niềm tự hào của Thủ đô.
Mời quý độc giả xem video
Trần Hải