Xót xa trang trại gà còn lại sau lũ, lão nông Hà Nội mất trắng hàng chục tỷ đồng
'Sau khi nước rút, tất cả trang trại gà hàng chục tỷ đồng của tôi chỉ còn một đống hoang tàn. Hơn 70.000 con gà đang đẻ trứng bị chết, hơn 140 tấn thức ăn, máy phát điện, xe ôtô tải chở gà, máy trộn cám, hệ thống quạt gió bị hư hỏng nặng vì ngập nước'.
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Ngọc Đoàn (SN 1968), chủ trang trại gà ở khu Bãi Già, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh (Hà Nội) về thiệt hại của gia đình sau mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra.
Khung cảnh hoang tàn của trang trại gà nhà ông Đoàn sau lũ.
Ông Đoàn cho biết, gia đình ông đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà từ năm 2011 trên diện tích đất đấu thầu của xã. Gần 14 năm làm ăn, xây dựng, trang trại đã có quy mô 7 khu chuồng, mỗi khu rộng 1.200m2, đầu tư hết khoảng 15-16 tỷ đồng.
Trước khi bị lũ nhấn chìm, trang trại gà nhà ông Đoàn đang nuôi khoảng hơn 80.000 con gà. Mỗi dãy chuồng nuôi khoảng 10-13 nghìn con gà đẻ trứng và hơn 10 nghìn con gà hậu bị, doanh thu được khoảng 100 triệu đồng/ngày từ việc bán trứng.
Kho thức ăn cho gà với 140 tấn bị hư hỏng đang chờ người đến dọn.
Ngày 9/9, khi thấy mưa to, ông Đoàn có ra kiểm tra thì thấy nước mới đến mép bờ sông, áng chừng phải 1,5-2 mét nữa thì nước mới lên đến nhà nên ông quay về, liên lạc các đầu mối để sáng hôm sau đến bắt gà bán.
“Chỉ sau một đêm, sáng mùng 10/9, tôi gọi chục chiếc ô tô đến để bán gà nhưng nước ngập quá sâu, ô tô không thể tiếp cận được đàn gà, không có phương tiện để di chuyển. Lúc đấy đi xe thì không ra được, thuyền thì không có, cũng không huy động được nhiều người để cứu. Có chục người ra hỗ trợ những cũng đành bó ta”, ông Đoàn kể lại.
Toàn bộ hơn 70.000 con gà mái đẻ của trang trại ông Đoàn bị chết vì ngập nước.
Bất lực nhìn dòng nước ngày càng lên cao, ông Đoàn cùng mọi người đi mượn được 3 chiếc thuyền, làm bè cây chuối để tiếp cận trại gà, tiến hành bắt gà từ sàn tầng 1 lên sàn tầng 2. Đồng thời, anh em họ hàng và người dân phụ giúp bắt gà đẻ ra bán giải cứu với giá 50 nghìn đồng/con.
Tuy nhiên, do lũ lên quá nhanh, nước quá sâu nên mỗi chuyến chỉ chuyển được từ 20-30 con gà. Khi cứu được khoảng 2.000 con gà đẻ trứng và 7.000 con gà hậu bị ra ngoài thì nước đã nhấn chìm toàn bộ chuồng gà.
Chỉ tính riêng tiền gà của trang trại đã thiệt hại vào khoảng 12 tỷ đồng.
“Một con gà nuôi 6-7 tháng, nặng từ 1,9-2kg, hết khoảng 150-160 nghìn đồng nhưng chỉ bán với giá 50 nghìn đồng/con. Mọi người mua đông nhưng chỉ bán được khoảng 2.000 con. Sau nước lũ lên nhanh quá, ô tô tải chở gà chở cám cũng bỏ hết, quần áo cũng bỏ ướt hết, chả mang đi được cái gì cả, tôi ôm tạm đống giấy tờ sổ sách bơi ra ngoài, lúc đó, nước lên đến cổ rồi”, ông Đoàn xót xa.
Suốt mấy ngày mưa bão, ông Đoàn ngày nào cũng ướt từ đầu đến chân tìm cách giải cứu đàn gà nhưng bất thành. Nước lũ ồ ạt chảy về, nhấn chìm trang trại rộng hơn 2,6ha chỉ trong một ngày. Khi nước rút, hơn 70.000 con gà nằm chết cứng đơ, phía dưới la liệt những quả trứng tròn xoe nằm lăn lóc.
Đàn gà đang đẻ trứng nằm chết cỏng queo, phía dưới là những quả trứng nằm chỏng chơ.
Theo ông Đoàn, riêng số gà chết cũng có giá trị khoảng 12 tỷ đồng, 140 tấn thức ăn bị nước ngập làm thối hỏng, ông đang gọi cho mọi người lấy về cho cá ăn hoặc bón ruộng. Tất cả chỉ còn một đống đổ nát, hoang tàn, bùn lầy.
Chiếc ô tô tải dùng để chở cám cũng bị hư hỏng nặng do bị ngâm nước.
“Nước rút, chính quyền huy động gần 100 người đến hỗ trợ nhưng chỉ làm được khoảng 15 phút là phải về hết vì mọi người không có kinh nghiệm làm những việc này. Bây giờ, thuê người dọn dẹp thì họ đòi công cao lắm, 800 nghìn đồng/ngày. Tôi mới thuê được 10 người, còn lại anh em họ hàng xuống giúp hết, chưa biết khi nào mới xong”, ông Đoàn thở dài.
Kho thức ăn chăn nuôi cùng toàn bộ máy móc lẫn cùng bùn đất.
Nhìn trang trại ngổn ngang trước mặt, ông Đoàn không khỏi xót xa khi chỉ sau một cơn lũ, ông trở nên trắng tay. Chưa kể, để có vốn làm ăn, đầu tư chăn nuôi, ông phải vay ngân hàng hơn 20 tỷ đồng. Bây giờ, chưa biết lấy gì trả lãi.
Ông Đoàn xót xa vì gần 14 năm tích cóp, gây dựng làm trang trại chăn nuôi giờ mất trắng tất cả sau một trận lũ.
“Chăn nuôi bây giờ cũng thăng trầm lắm. Năm thì dịch Covid-19, năm thì dịch cúm, tích cóp gây dựng bao năm thì giờ một trận lũ quét hết. Một tháng, gia đình tôi phải trả lãi ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Giờ lấy gì để trả. Chỉ mong ngân hàng có chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ và các cấp chính quyền hỗ trợ để gia đình tiếp tục chăn nuôi trên cơ sở vật chất đã đầu tư, có nguồn trả nợ ngân hàng, tạo công ăn việc làm cho anh em công nhân”, ông Đoàn bày tỏ.