Xứ hoa, cây kiểng Bến Tre tất bật chuẩn bị đón Tết
Những ngày này, đi dọc các con đường tại huyện Chợ Lách đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân tất bật chăm sóc hoa chuẩn bị bán Tết. Làng nghề truyền thống hơn một thế kỷ này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và góp phần phát triển kinh-xã hội tại địa phương.
Tất bật chăm sóc hoa, cây kiểng
Còn hơn một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng xóm nhỏ ven sông thuộc ấp Lân Tây (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã tất bật suốt ngày để chăm sóc những giỏ hoa chuẩn bị giao cho thương lái hay trực tiếp mang ra chợ bán Tết.
Mới sáng sớm, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai cùng con trai lo bơm nước để tưới hơn 3.000 giỏ cúc mâm xôi mới vừa chớm nở. Bà Mai cho biết: “Cả xóm này hầu như nhà nào cũng làm hoa bán Tết, người ít thì vài trăm chậu còn người nhiều lên đến vài nghìn. Năm nay xuất hiện mưa trái mùa nên hoa cúc mâm xôi bị héo lá chân nên phải xử lý, chăm sóc cẩn thận hơn mọi năm. Hiện tại, rất mừng là hơn phân nửa số cúc mâm xôi của gia đình đã bán cho thương lái vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ trong dịp Tết”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn cũng đang chăm sóc 1.700 giỏ cúc mâm xôi để chuẩn bị giao cho thương lái với giá 90 nghìn đồng/giỏ. Ông Sơn cho biết: “Để trồng cúc mâm xôi phải chuẩn bị xuống giống từ 6 tháng trước Tết và chăm sóc cẩn thận để ra hoa vào đúng dịp Tết. Một số hộ trồng hoa vạn thọ, mào gà thì thời gian chăm sóc ngắn hơn. Năm nay, người dân làng hoa hy vọng tiêu thụ hết sản phẩm mình làm ra”.
Dọc hai bên đường từ ấp Lân Đông (xã Phú Sơn) sang ấp Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa) của huyện Chợ Lách có nhiều chậu hoa giấy được ghép ngũ sắc trông rất đẹp mắt. Nơi đây, người dân chuyên sản xuất hoa giấy cung ứng cho thị trường quanh năm nhưng nhiều nhất là vào dịp cận Tết.
Gia đình ông Phạm Quốc Thái ngụ ấp Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa) phải thuê thêm 3 nhân công để chăm sóc gần 4.000 chậu hoa giấy chuẩn bị xuất bán. Gia đình ông Thái có hơn 4.000m2 chuyên trồng hoa giấy với các giống như: hồng gân, tím tuyết, tiên nữ, cẩm thạch… sau đó ghép từng màu khác nhau ở các cành để bán ra thị trường.
Theo ông Thái, trung bình mỗi năm xuất bán hơn 1 tỷ đồng ở thị trường khắp các tỉnh trong cả nước. Hiện tại, vườn hoa của gia đình có rất nhiều loại với giá từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng mỗi chậu nên phục vụ rất đa dạng đối tượng khách hàng.
Đa dạng kênh tiêu thụ để tránh dội chợ
Năm nay, hầu hết người dân đều tăng sản lượng, nhất là đối với hoa nở như: cúc mâm xôi, vạn thọ, mào gà… nên nguy cơ dội chợ rất lớn. Bà Lê Thị Một, ngụ xã Phú Sơn cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 200 giỏ hoa các loại như: mào gà, vạn thọ, cúc Hà Lan… nhưng đến nay vẫn chưa bán được cây nào. Mọi năm, giờ này thương lái đã đến các vườn hoa để đặt cọc mua hàng nhưng năm nay rất ít. Người dân làng hoa rất lo lắng khi sản lượng tăng, nhưng không bán được hàng”.
Tại làng hoa xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách) năm rồi chỉ sản xuất khoảng 1,5 triệu sản phẩm thì năm nay đã tăng lên gần gấp đôi. Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Phạm Hoàng Nam cho biết: “Sản lượng hoa Tết tăng do năm nay người dân làm cây giống khó khăn, có mặt bằng khi không sản xuất cây giống nên chuyển sang trồng các loại hoa nở bán Tết. Đối với các sản phẩm cây kiểng như: hoa giấy, mai vàng vẫn ổn định như mọi năm. Hiện tại, có khoảng 30% sản lượng đã được thương lái đặt hàng để cung ứng thị trường Tết. Các sản phẩm còn lại địa phương đang kết nối, giới thiệu tại các chợ hoa trong khu vực để tiêu thụ sản phẩm của bà con”.
Theo người dân làng hoa Chợ Lách, năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sản lượng sụt giảm rất nhiều do ai cũng lo lắng không tiêu thụ được sản phẩm. Những hộ sản xuất các loại hoa nở như: cúc mâm xôi, vạn thọ, cúc Hà Lan… đều trúng mùa. Năm nay, những hộ này tăng sản lượng và những hộ khác cũng đồng loạt sản xuất theo nên có nguy cơ bị dội chợ, ế hàng.
Mấy năm gần đây, người dân làng hoa đã áp dụng nhiều cách bán hàng qua mạng xã hội, kênh bán online bên cạnh việc bán theo cách truyền thống lâu nay như qua thương lái hay mang trực tiếp ra chợ Tết.
Bà Nguyễn Thị Hồng chuyên trồng hoa giấy tại xã Phú Sơn cho biết: “Gia đình tôi trồng hoa giấy bán quanh năm với mối quen là thương lái. Mấy năm gần đây, con gái tôi chụp hình, chào bán trên mạng xã hội cũng tiêu thụ số lượng khá lớn nên không phải lo việc đầu ra sản phẩm”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Năm nay sản lượng hoa của huyện tăng khoảng 50% so năm qua với hơn 13 triệu sản phẩm. Nguyên nhân do sau dịch Covid-19 người dân phục hồi sản xuất và người dân từ sản xuất cây giống chuyển qua sản xuất hoa Tết.
Để tiêu thụ sản phẩm, địa phương đã hướng dẫn, khuyến khích người dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, cùng với cách thức bán hàng truyền thống thông qua thương lái như trước đây.
Hiện tại, một số sản phẩm cúc mâm xôi, cúc Hà Lan đã được các thương lái, người tiêu dùng đặt hàng. Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện đã làm việc với các tỉnh bạn, các đơn vị tổ chức chợ Tết nhằm kết nối, giúp người dân đăng ký lô, sạp để mang sản phẩm đến bán trong dịp cận Tết.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xu-hoa-cay-kieng-ben-tre-tat-bat-chuan-bi-don-tet-post730831.html