Xứ Huế 'thức giấc' buổi bình minh

Mặt trời rót những tia nắng đầu tiên xuống dòng Hương, cầu Trường Tiền lấp lánh ánh ban mai, Đại Nội huyền ảo trong sắc trời nhuộm hồng... báo hiệu một ngày mới bắt đầu nơi xứ Huế.

Khi mặt trời vừa ló dạng, các điểm di tích cố đô thấp thoáng, ẩn hiện trong bầu trời hư ảo. Trên hình là một góc Ngọ Môn (Hoàng thành Huế). Trong buổi ban mai, nét cổ kính của công trình càng được tôn lên. Đây là một trong những kiến trúc nổi bật triều Nguyễn, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế. Ngọ Môn hướng về phía Nam, vốn chỉ dành riêng cho vua đi lại hoặc tiếp đón các sứ thần. Ngày nay, nó trở thành điểm check-in quen thuộc của du khách.

Trên trục "thần đạo" Tây Bắc - Đông Nam của Hoàng thành, lầu Tứ Phương Vô Sự toát lên vẻ uy nghiêm dưới ánh dương rực rỡ. Công trình có sự giao thoa kiến trúc Á - Âu, gồm 2 tầng với diện tích 182 m2. Tên địa danh có ý nghĩa "bốn phương yên ổn", thể hiện khát vọng đất nước thái bình. Khi đến Huế, bạn có thể check-in ở quán cà phê nằm trong khu vực lầu.

Trên trục "thần đạo" Tây Bắc - Đông Nam của Hoàng thành, lầu Tứ Phương Vô Sự toát lên vẻ uy nghiêm dưới ánh dương rực rỡ. Công trình có sự giao thoa kiến trúc Á - Âu, gồm 2 tầng với diện tích 182 m2. Tên địa danh có ý nghĩa "bốn phương yên ổn", thể hiện khát vọng đất nước thái bình. Khi đến Huế, bạn có thể check-in ở quán cà phê nằm trong khu vực lầu.

Nằm ở phía Tây Hoàng Thành, cửa Chương Đức là công trình có giá trị nghệ thuật cao, được xây bằng kỹ thuật ghép sành sứ trên nền vôi vữa. Vẻ đẹp tinh xảo của công trình nổi bật trong buổi bình minh, được tô điểm bằng nét mềm mại của hồ sen bao quanh. Theo quy định của triều đình, cửa Chương Đức vốn dành riêng cho các bà hoàng và cung nữ ra vào Hoàng thành. Ngày nay, cửa chỉ được mở vào các dịp lễ hội để phục vụ khách tham quan.

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, Kỳ đài hay cột cờ kinh thành Huế được xem là biểu tượng cố đô. Tại đây, vào mỗi sớm mờ sương, bạn có thể "săn" mặt trời tuyệt đẹp. Trên nền trời cam vàng, lá cờ Tổ quốc là điểm nhấn cho khung hình bình minh.

Khoảng từ 5h30, nếu check-in khu vực này, bạn sẽ bắt gặp nhiều bạn trẻ chạy bộ, đá cầu, đạp xe, tạo nên khung cảnh ngày mới nhộn nhịp. Trên ảnh là công trình cửa Ngăn (nằm bên trái Kỳ đài), chính giữa khung hình là vầng mặt trời tỏa sáng. Bầu trời đậm màu, cảnh vật hiện rõ đường nét tạo nên khoảnh khắc đẹp nao lòng.

Khoảng từ 5h30, nếu check-in khu vực này, bạn sẽ bắt gặp nhiều bạn trẻ chạy bộ, đá cầu, đạp xe, tạo nên khung cảnh ngày mới nhộn nhịp. Trên ảnh là công trình cửa Ngăn (nằm bên trái Kỳ đài), chính giữa khung hình là vầng mặt trời tỏa sáng. Bầu trời đậm màu, cảnh vật hiện rõ đường nét tạo nên khoảnh khắc đẹp nao lòng.

Nằm trên trục dọc từ Kỳ đài đến Phu Văn Lâu, Nghênh Lương đình là di tích được xây dựng dưới thời Nguyễn, dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi lên thuyền rồng trên sông Hương. Công trình soi bóng xuống hồ sen, lấp lánh ánh nước cam, vàng, tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy chất thơ.

Sông Hương là nguồn cảm hứng của nhiều sáng tác văn, thơ, điểm dừng chân của du khách khi đến cố đô. Trong buổi sớm mai, đất trời, sóng nước như hòa làm một, tất cả được nhuộm sắc vàng mơ màng. Trong bức tranh tĩnh lặng, thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp một vài con đò chạy qua, nghe được âm thanh "gõ mõ" bắt cá của người dân địa phương.

Cầu Trường Tiền là địa danh không thể bỏ lỡ khi đến Huế. Sau cơn mưa đêm đầu hạ, mặt đường vẫn còn ẩm ướt, công trình phản chiếu lên bóng nước, tạo ra hiệu ứng thị giác độc đáo. Nếu quan sát kĩ, bạn sẽ nhận ra những thanh cầu đổi màu liên tục từ đậm đến nhạt dần theo từng "nhịp" của mặt trời.

Vào khoảng 6h, khi trời đã sáng hẳn, nhiều khu vực tấp nập người qua lại. Tại các công viên ven sông Hương , người tập thể thao tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, phá vỡ vẻ tĩnh mịch, yên ắng của đường phố trước đó. Nếu dạo Huế ngắm bình minh, bạn có thể lưu lại những tấm ảnh đẹp, cảm nhận nhịp sống bình yên hiếm có của thành phố di sản.

Theo Trường Bùi - Hải Nhi/Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/xu-hue-thuc-giac-buoi-binh-minh/20200523102807769