Xu hướng cạnh tranh phát triển kỹ thuật để giảm khí thải trên thế giới
Để thực hiện mục tiêu xã hội không than đá, chỉ tính riêng bốn khu vực là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư lên đến 8.500 tỷ yen trong giai đoạn 2021-2050.
Theo báo Kinh tế Nhật Bản, luật sửa đổi nhằm thúc đẩy đối sách ngăn chặn tình trạng Trái Đất nóng lên đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua ngày 26/5.
Nội dung thu hút được sự chú ý đó là mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050 lần đầu tiên được ghi nhận trong một bộ luật của Nhật Bản.
Để thực hiện mục tiêu xã hội không than đá, chỉ tính riêng bốn khu vực là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư lên đến 8.500 tỷ yen trong giai đoạn 2021-2050. Thế giới sẽ bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực kỹ thuật có thể làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới.
Luật thúc đẩy đối sách ngăn chặn tình trạng nóng lên của Nhật Bản dự kiến có hiệu lực vào tháng 4/2022, trong đó ghi rõ điều khoản quy định nhận thức cơ bản về mục tiêu của chính phủ liên quan đến việc thực hiện "trung hòa carbon" nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa lượng khí thải nhà kính và lượng khí hấp thu của các thảm thực vật.
Việc quy định trong luật thể hiện sự cam kết của Chính phủ Nhật Bản về việc kế thừa chính sách ngay cả khi chính quyền có sự chuyển giao, đồng thời là cơ sở thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp trong thời gian dài.
Xung quanh mục tiêu trung hòa carbon, các nước Âu-Mỹ đã bày tỏ ý định thực hiện mục tiêu này trước năm 2050. Các quốc gia trên thế giới cũng đang khẩn trương sử dụng cơ chế hợp tác công-tư để phát triển các kỹ thuật mới nhằm thực hiện mục tiêu xã hội không khí thải.
Nhật Bản hiện đang đi đầu trên thế giới trong việc phát triển kỹ thuật pin tích điện thế hệ mới và đang hiện thực hóa các kỹ thuật liên quan đến hydro. Việc phát triển các kỹ thuật chôn lấp khí CO2 cũng đang được đánh giá tại Nhật Bản.
Pin tích điện cần thiết để phát triển xe ô tô điện được coi là một trong những kỹ thuật không thể thiếu để hiên thực hóa xã hội không khí thải. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất pin Lithium-ion, Nhật Bản không thể hiện được ưu thế trước các hãng sản xuất của Trung Quốc như Contemporary Amperex Technology (CATL) và công ty hóa học LG của Hàn Quốc.
Có lẽ Nhật Bản chỉ có thể tạo ra ưu thế trong lĩnh vực này bằng cách phát triển loại pin rắn thế hệ mới có thể kéo dài quãng đường di chuyển cho một lần sạc mà các công ty như Toyota, Panasonic đang đi đầu trong xu hướng này.
Các thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo cũng được cho là chìa khóa xây dựng xã hội không khí thải. Trong những năm 2000, công ty Sharp và Sanyo Electric đã càn quét thị trường thế giới về phát triển và sản xuất tấm pin Mặt Trời.
Tuy nhiên đến nay, khoảng gần 80% lô hàng trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã chịu thua trong cuộc đấu về giá. Kỳ vọng đang được dành cho các tấm pin năng lượng Mặt Trời sử dụng vật liệu có dạng cấu trúc tinh thể đặc biệt (Perovskite) do Toshiba và Ricoh nghiên cứu và phát triển.
Kỹ thuật sử dụng hydro được kỳ vọng sẽ mang lại đột biến trong thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực chế tạo sắt, thép, vốn sử dụng một lượng lớn nguồn năng lượng và hiện ba tập đoàn thép lớn của Nhật Bản cũng đang bắt tay hợp tác nghiên cứu kỹ thuật luyện thép sử dụng hydro.
Một lò thử nghiệm đã được thiết lập tại nhà máy của công ty Nippon Steel (thành phố Kimitsu, tỉnh Chiba) với mục tiêu hiện thực hóa kỹ thuật trước năm 2030.
Theo tính toán của các nhà hóa học, hydro được sử dụng thay cho than cốc, kết hợp sử dụng kỹ thuật phân tách và thu hồi carbon dioxide (CO2), có thể giảm 30% lượng khí thải CO2 thải ra môi trường.
Theo công ty Astamuse chuyên phân tích các xu hướng ứng dụng bằng sáng chế, Nhật Bản có thể duy trì vị trí số một trên thế giới về các bằng sáng chế liên quan đến kỹ thuật hydro.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang gia tăng tốc độ phát triển kỹ thuật, vấn đề được quan tâm đó là Nhật Bản sẽ thúc đẩy liên kết công-tư như thế nào để đưa kỹ thuật hydro ứng dụng trong các ngành công nghiệp của nước này.
Đối với một quốc gia có mức phụ thuộc cao vào nguồn năng lượng hóa thạch như Nhật Bản, kỹ thuật có thể tạo ra bước ngoặt đó là CCS - thu hồi và chôn lấp CO2 dưới lòng đất. Hiện nay trên thế giới, Mỹ là quốc gia đi đầu trong nghiên cứu, phát triển và hiện thực hóa kỹ thuật này.
Một số công ty tại Nhật Bản như J-Power và Toshiba cũng đang thúc đẩy phát triển kỹ thuật thu hồi và chôn lấp CO2 phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện.
Các hãng sản xuất ô tô tại Nhật Bản đã đi tiên phong trên thế giới trong việc phát triển và phổ biến hình mẫu xe hybrid (HV) kết hợp giữa động cơ điện với động cơ xăng và đã có đóng góp to lớn trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Xe hybrid được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản, song tại các nước Âu-Mỹ, trào lưu sử dụng xe điện (EV) lại thịnh hành hơn. Nếu tận dụng được kỹ thuật điện hóa sử dụng trong các dòng xe HV, các doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn có khả năng chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh phát triển EV trên thế giới./.