Xu hướng chứng khoán 2/7, nắm giữ danh mục đợi chốt lời
Quan điểm tích cực về xu hướng Thị trường Chứng khoán Việt Nam (VN-Index) vẫn được giới phân tích duy trì, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua.
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, cung cầu giằng co tương đối mãnh liệt và nhà đầu tư được trải nghiệm 'chuyến tàu lượn' VN-Index quanh vùng giá 1,375 điểm.
Lượng cung nhập cuộc bất ngờ khiến chỉ số rơi tự do 7 điểm chỉ trong 10 phút giao dịch phiên chiều. Tuy nhiên thị trường rất biết cách khiến nhà đầu tư bất ngờ khi 'quay xe' trở lại và đóng cửa giá xanh.

VN-Index rơi vào trạng thái 'xanh vỏ đỏ lòng' trong phiên 1/7.
'Anh cả' dòng Ngân hàng là VCB có phiên bứt phá khỏi nền và đóng góp đáng kể vào chỉ số chung trong khi ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành Bất động sản và Chứng khoán chìm trong bức tranh giao dịch ảm đạm xuyên suốt.
Thị trường xanh điểm nhẹ, tuy nhiên do yếu tố gồng gánh điểm số từ một vài cổ phiếu trụ, số mã giảm (196 mã) áp đảo so với số mã tăng (117 mã) cùng với thanh khoản khớp lệnh có dấu hiệu gia tăng +14% so với phiên trước và chỉ thấp hơn -4.9% so với mức bình quân 20 phiên. Phiên giao dịch ngày 30/06/2025, VN-Index đóng cửa ở mức 1,377.84 điểm, tăng 1.77 điểm (+0.13%).
Phiên 'rút chân' của thị trường đi kèm sự cải thiện về thanh khoản khớp lệnh khi chỉ còn thấp hơn -4.9% so với mức bình quân 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản bình quân tuần trên sàn HSX đạt 816 triệu cổ phiếu (+17.59%), tương đương giá trị đạt 21,034 tỷ đồng (+11.39%).
Trái ngược với sắc xanh của chỉ số, độ mở thị trường nghiêng về phía giảm điểm với 15/21 nhóm ngành đóng cửa điều chỉnh. Bất động sản Khu công nghiệp (+1.21%), Dệt may (+0.94%) và Bảo hiểm (+0.9%) là ba nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, Thực phẩm tiêu dùng (-1.79%), Hóa chất (-1.52%), Dầu khí (-1.25%) là ba nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ nhịp rung lắc của thị trường nhằm thu hẹp đà bán ròng trong phiên chiều với giá trị bán ròng tại thời điểm kết phiên đạt -365 tỷ đồng. HVN +70 tỷ đồng, MSN +61 tỷ đồng, FPT +52 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VJC -368 tỷ đồng, HDB -219 tỷ đồng và HPG -94 tỷ đồng là ba mã cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất.
Từ cục diện thị trường như trên, giới phân tích đưa ra quan điểm tích cực về xu hướng chứng khoán 2/7 cũng như ngắn hạn.
Báo cáo phân tích của Chứng khoán CSI cho rằng: Xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị bẻ gãy sau phiên 1/7 nên CSI tiếp tục duy trì quan điểm nắm danh mục cổ phiếu, kiên nhẫn chờ đợi mốc kháng cự (1,398 - 1,418) điểm mới thực hiện hóa từng phần lợi nhuận.
Báo cáo thị trường của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đưa ra nhận định tích cực về xu hướng VN-Index: Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên 02/07/2025. Nhóm Ngân hàng và Bảo hiểm dẫn đầu đà tăng trong phiên 1/7/2025 và độ rộng thị trường có trạng thái tiêu cực. Lực bán có dấu hiệu gia tăng khi các chỉ báo kỹ thuật tăng nhẹ vào vùng quá mua nhưng Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc.
Xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức trung tính, cho nên các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-50% danh mục và vẫn tận dụng các nhịp điều chỉnh để mua mới.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng duy trì quan điểm tích cực với thị trường, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư chốt lời ở một số mã cổ phiếu đã có lợi nhuận.
"Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận đối với những mã đang xuất hiện áp lực điều chỉnh ở vùng kháng cự và tiếp tục nắm giữ cổ phiếu duy trì xu hướng đi lên ổn định.
Đồng thời, có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng ở những cổ phiếu này khi thị trường xuất hiện nhịp rung lắc trong các phiên tới. Một số nhóm ngành có thể cân nhắc giải ngân bao gồm ngân hàng và nông nghiệp".
Dù vậy, ở góc nhìn cảnh giác và thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, thị trường cần thêm các dữ liệu quan trọng để xác định xu hướng.
SHS cho rằng, đây không phải là vùng giá hấp dẫn để giải ngân. Quan điểm của SHS là thận trọng trong giai đoạn hiện tại. Cần có những cơ sở, dữ liệu chính xác để đánh giá doanh nghiệp, cũng như các yếu tố vĩ mô.
Cơ hội riêng lẻ trong thị trường vẫn duy trì. Nhưng cần đánh giá cẩn trọng kỳ vọng tăng trưởng dựa trên các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2025 và triển vọng sau khi các mức thuế được áp đặt.