Xu hướng chuyển dịch: Ngành điện sẽ hưởng lợi 2 lần
Có ý kiến cho rằng ngành điện sẽ hưởng lợi 2 lần bởi nhu cầu điện sản xuất sẽ tăng do làn sóng chuyển dịch sản xuất cộng thêm gần đây ngành điện ghi nhận nhiều chính sách ưu đãi…
Ngành điện hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất
Dưới tác động của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán năm 2020 chịu biến động mạnh. VN-Index giảm hơn 30% trong quý I sau đó phục hồi mạnh và tiến sát ngưỡng 900 điểm ngày hôm qua, tăng hơn 8,6% chỉ trong vòng một tháng và tăng gần 36% kể từ mức thấp nhất vào cuối tháng 3.
Có thể ngành điện sẽ hưởng lợi 2 lần bởi nhu cầu điện sản xuất sẽ tăng do làn sóng chuyển dịch sản xuất cộng thêm gần đây ngành điện ghi nhận nhiều chính sách ưu đãi…
Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tại ngày 31/5/2020, đã có hơn 2,5 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tăng 30.808 tài khoản so với cuối tháng 4.
Trong đó, tài khoản nhà đầu tư trong nước tăng 34.037 đơn vị, lên mức hơn 2,47 triệu tài khoản. Đáng chú ý, lượng mở mới của nhà đầu tư cá nhân là 33.953 đơn vị (thấp hơn mức 7% so với con số mở mới của tháng 4) lên 2,46 triệu tài khoản.
Như vậy, chỉ trong 3 tháng (3, 4 và 5), lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới đã lên đến con số 102.427 đơn vị.
Theo đó, một dòng tiền lớn được kéo vào thị trường, trong đó phải kể đến những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường và dòng tiền từ chính các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào.
Bên cạnh đó, sự góp mặt của các quỹ ETFs mới như VFMVN Diamond ETF hay SSIAM VNFin Lead ETF với tổng quy mô hơn 1.000 tỷ đồng cũng góp phần nâng đỡ thị trường trước áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Sang tháng 6, dòng vốn ngoại đang có nhiều tín hiệu khởi sắc khi họ đã giảm bán ròng, thậm chí một số quỹ ETF ngoại như VNM ETF, Premia MSCI Vietnam ETF sau giai đoạn bị bán tháo mạnh mẽ đã dần hút vốn trở lại.
Ngoài ra, thông tin Quốc hội bấm nút thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA và EVIPA - hai hiệp định có giá trị lớn nhất từ trước tới nay. Hiệp định EVFTA dự kiến chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tuy nhiên TTCK Việt Nam dường như đã phản ánh một phần kỳ vọng về tác động tích cực mà EVFTA mang lại cho các ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp được hưởng lợi.
Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, trong những phiên gần đây, các cổ phiếu của những ngành như thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, … đã có những phiên giao dịch tích cực nhờ thông tin EVFTA được thông qua.
Tuy nhiên, đây chủ yếu là tác động tâm lý và diễn ra trong ngắn hạn, chứ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa phản ánh ngay tức thì đối với thông tin này mà cần thời gian dài hơi hơn (từ 1 năm trở lên).
Do đó, nhà đầu tư cũng cần thận trọng, tránh việc đua theo những “cổ phiếu tăng nóng do yếu tố đầu cơ theo tin” thay vì phản ánh thực tế tình hình kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Về trung và dài hạn, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến thực chất doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào và mức độ hưởng lợi ra sao, từ đó diễn biến giá cổ phiếu sẽ đi theo và phản ánh thực chất hơn kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Còn theo ông Trương Quang Bình – Phó Giám Đốc Phân Tích Yuanta Việt Nam cho rằng, ngành điện hưởng lợi 2 lần từ dịch chuyển sản xuất và nguyên liệu đầu vào giảm.
Theo dự báo, việc thiếu hụt điện năng đạt 48 tỷ kWh vào 2025 với nhu cầu điện tăng trưởng 11%/năm, đồng thời ngành điện sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, khi đó nhu cầu điện sản xuất cũng sẽ tăng.
Ngành điện cũng ghi nhận nhiều chính sách ưu đãi cho năng lượng sạch, chi phí đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng rẻ, tiệm cận năng lượng truyền thống. Doanh nghiệp có định giá hấp dẫn bao gồm: POW, NT2, PC1.
Nhiều cơ hội đầu tư hậu Covid-19
Phân tích về thị trường và cơ hội đầu tư hậu Covid-19, ông Nguyễn Thế Minh – Giám Đốc Phân Tích Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường Việt Nam được định giá thấp nhất và tăng trưởng cao nhất trong khu vực, đồng thời chỉ ra một số cơ hội đầu tư hậu Covid-19.
Vốn FDI đăng ký và điều chỉnh tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm cùng với giá thuê đất khu công nghiệp thiết lập mặt bằng mới bất chấp dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 sẽ là điểm cộng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc bao gồm: PHR, NTC, KBC, SZC.
Việc thúc đẩy đầu tư công có thể là biện pháp hữu hiệu để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam dự chi hơn 700 nghìn tỷ đồng (hơn 30 tỷ USD) cho đầu tư công trong năm 2020, số vốn này gấp 2.2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2020. Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công bao gồm: HPG, KSB, DHA, CTI, FCN, C4G, CII.
Ngoài ra, khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85.6% số dòng thuế, tương đương 70.3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ EVFTA bao gồm: TNG, MSH, CMX, MPC, VHC, FMC.