Xu hướng đa dạng hóa dòng chảy vốn đầu tư thay thế

Các nhà đầu tư thay thế đang chạy đua để đa dạng hóa tài sản sang các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: AFP/TTXVN

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này diễn ra trong bối cảnh sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến cho đầu tư vốn tư nhân, bất động sản và vốn đầu tư mạo hiểm đang giảm dần.

Preqin, một công ty nghiên cứu đầu tư thay thế ngày 31/7 đã công bố dữ liệu cho thấy, đầu tư vốn tư nhân vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong quý II/2024 là 14,8 tỷ USD, trong đó 5 tỷ USD được dành cho Nhật Bản.

Dữ liệu cho thấy trong các hạng mục khác, hoạt động huy động vốn cho đầu tư hạ tầng cũng đang phục hồi, vì các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu đối với nhà máy năng lượng tái tạo, kết nối 5G và trung tâm dữ liệu ở các quốc gia như Ấn Độ sẽ tăng.

Tuy nhiên, đầu tư thay thế trong khu vực vẫn chậm trong quý II/2024, làm nổi bật tác động của sự suy yếu của

kinh tế Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ với Trung Quốc và các điều kiện tín dụng chặt chẽ do lãi suất cao. Trong quý này, hoạt động huy động vốn cho các khoản đầu tư thay thế đã chạm mức thấp nhất trong thập kỷ là 22 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 1/5 mức đỉnh gần đây là 98 tỷ USD được ghi nhận vào quý IV/2020.

Bà Angela Lai, Giám đốc APAC và định giá tại Preqin cho biết, trong hạng mục vốn tư nhân, hoạt động giao dịch đang diễn ra với tốc độ bằng khoảng một nửa tốc độ của năm 2021. Các khoản đầu tư thay thế có ít thanh khoản hơn, trái ngược với các tài sản được giao dịch công khai như cổ phiếu. Chúng được coi là rủi ro hơn, nhưng thường tạo ra lợi nhuận cao hơn các tài sản được giao dịch công khai, thu hút sự chú ý của các thể chế đầu tư lớn.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-da-dang-hoa-dong-chay-von-dau-tu-thay-the/342481.html