Xu hướng dòng tiền năm 2025: Kênh đầu tư nào sẽ lên ngôi?
Dragon Capital cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên vào kênh cổ phiếu và bất động sản, với trái phiếu doanh nghiệp cần lựa chọn kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro...
Tại Hội nghị Nhà đầu tư 2025 do Dragon Capital tổ chức với chủ đề "Tăng trưởng cùng Rồng” diễn ra sáng 11/1, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital – một trong những quỹ ngoại hiếm hoi quản lý tài sản tỷ USD tại Việt Nam đã đưa ra những góc nhìn sâu sắc về các kênh đầu tư hứa hẹn trong năm tới.
2 KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2025
Nhìn lại kinh tế vĩ mô 2024, ông Tuấn đánh giá, Việt Nam đã tạo dựng được một nền tảng ổn định với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng GDP đạt mức khả quan, cùng với những yếu tố tích cực giúp Chính phủ tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao, từ 8-10%. Đặc biệt, lạm phát – mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia – may mắn chưa trở thành vấn đề đáng lo tại Việt Nam.
Về tín dụng, năm 2023 ghi nhận sự điều hành khá "giật cục", khi tăng trưởng thấp trong các quý đầu nhưng bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, tín dụng đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hơn, phản ánh sự điều hành linh hoạt và hiệu quả hơn.
Mặt khác, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng đã khiến đồng VND chịu áp lực. Chỉ số đồng USD (DXY) tăng mạnh từ 101 lên 109, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tiền tệ trong nước.
Bước sang năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ấn tượng, dựa trên ba cấu phần chính: xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư.
Đối với xuất nhập khẩu, trong giai đoạn Trump 1.0, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt. Tuy nhiên, với Trump 2.0, tình hình vẫn chưa rõ ràng. Dù vậy, theo ông Lê Anh Tuấn, cán cân thương mại có thể giảm nhẹ, nhưng cấu phần xuất nhập khẩu vẫn sẽ đóng góp tích cực vào GDP.
Đối với cấu phần đầu tư, với tỷ lệ đóng góp 31-32% vào GDP, đầu tư là yếu tố quan trọng. Chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) hiện vẫn là thước đo cần chú ý. Khi chỉ số này tăng cao, điều đó cho thấy nền kinh tế phụ thuộc vào vốn đầu tư, do đó, cần tập trung vào chất lượng các dự án đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả như giai đoạn trước, khi ICOR từng chạm mức 41%.
Việc quản lý chặt chẽ hơn các dự án, đặc biệt là xử lý những dự án "đắp chiếu" nhiều năm, sẽ góp phần cải thiện hiệu quả đầu tư và tăng trưởng GDP một cách bền vững.
Nhìn lại tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1992-1997, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng 8-9%, nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách kinh tế. Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, bài học từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc – nơi GDP từng tăng bình quân trên 10% cho thấy, chỉ số ICOR của họ dao động từ 3-4. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao mà Việt Nam đặt ra, ICOR cũng cần nằm trong ngưỡng 2-4.
“Ngoài ra việc cải cách hành chính, số hóa, đơn giản thủ tục hành chính đâu đó chúng ta đang chuyển dịch, muốn cải cách hành chính bắt buộc số hóa, đó là con đường đi đang diễn ra. Việc xử lý tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước, nên làm, làm nhanh. Đã làm phải làm nhanh, sẽ hỗ trợ nền kinh tế đi nhanh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về chính sách tài khóa, chuyên gia nhận định Chính phủ sẽ tiếp tục tăng tốc giải ngân đầu tư công. Ông Tuấn dẫn chứng, dự án Metro là một ví dụ điển hình, và còn nhiều dự án có thể khiến chúng ta bất ngờ về tiến độ. Điển hình như dự án sân bay Long Thành, trước đây khó tin có thể hoàn thành vào năm 2027, nhưng hiện tại dự án đang vượt tiến độ, dự kiến nhanh hơn 6 tháng, hứa hẹn trở thành một "kỳ tích". Hay nhà ga Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đi vào vận hành trước ngày 30/4; Đường dây 500kV Quảng Trạch dù đạt tiến độ tốt, dự án này cần được quảng bá nhiều hơn…
Theo ông Lê Anh Tuấn, đầu tư công không chỉ giữ vai trò chủ đạo mà còn có khả năng dẫn dắt khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế. Ông nhấn mạnh, để thúc đẩy đầu tư tư nhân, điều quan trọng là khơi gợi lòng tin và “lòng tham” của khối này. "Khi doanh nghiệp tư nhân nhận thấy Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội rõ ràng, họ sẽ sẵn sàng tăng đầu tư."
Trong cấu phần GDP, tiêu dùng nội địa đóng vai trò quan trọng, cần được duy trì và nâng cao mức tăng trưởng, đặc biệt sau những tín hiệu phục hồi tích cực từ đại dịch. Chuyên gia khẳng định, chỉ cần mức tăng trưởng tiêu dùng bình quân 10-12%, kết hợp với đà tăng từ đầu tư, nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP hai con số.
Dựa trên các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách quốc tế, Dragon Capital đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong năm 2025. Ở kịch bản 1, nếu chính sách thương mại của Mỹ quá cứng rắn và dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ bị thu hẹp, lãi suất có thể tăng 1-1,5%. Khi đó, GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6,5-7%.
Với kịch bản 2, nếu các chính sách của Mỹ được điều chỉnh có mục tiêu và chọn lọc hơn, trong khi chính sách tiền tệ duy trì sự linh hoạt với lãi suất chỉ tăng khoảng +-0,7%, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng cao 7,5-9%.
Về lợi nhuận doanh nghiệp, Dragon Capital cũng dự báo ba kịch bản tăng trưởng. Tăng trưởng thấp (5-8%) nếu các chính sách bảo hộ thương mại được đẩy mạnh; Tăng trưởng cơ sở (15-17%); Tăng trưởng cao (18-25%) trong trường hợp chính sách tài khóa tích cực và đầu tư công đạt hiệu quả vượt kỳ vọng.
Ông Lê Anh Tuấn kết luận, với những kỳ vọng tích cực từ tăng trưởng kinh tế và sự chuyển động mạnh mẽ của các yếu tố vĩ mô, Việt Nam đang đứng trước cơ hội bước vào một chu kỳ đầu tư đầy tiềm năng. Đây sẽ là giai đoạn bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế, hứa hẹn mang lại nhiều đột phá trong tương lai.
TÌM KIẾM KÊNH ĐẦU TƯ “VÀNG” TRONG NĂM 2025
Tại hội nghị, Dragon Capital đã công bố bảng đánh giá hiệu suất của các kênh đầu tư, trong đó vàng được xếp ở mức thấp nhất, chỉ đạt 2-2,5 điểm trên thang điểm 5.
Theo các chuyên gia, giá vàng thường có biến động khó dự đoán và hiệu suất thực tế không cao như kỳ vọng. Hơn nữa, trong vai trò đầu cơ, vàng chịu sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm ổn định tỷ giá và kiểm soát thị trường. Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng cho biết đang tổng kết và đánh giá Nghị định 24, với mục tiêu quản lý hiệu quả thị trường vàng đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân trong giao dịch và tích trữ.
Bên cạnh đó, dự báo mới nhất từ Goldman Sachs cho thấy mục tiêu giá vàng 3.000 USD/ounce, từng kỳ vọng đạt vào cuối năm nay, đã được dời sang giữa năm 2026. Theo Goldman Sachs, việc Fed giảm tốc độ cắt giảm lãi suất có thể khiến nhu cầu đầu tư vào vàng của các quỹ ETF suy giảm.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital, chia sẻ rằng ông chỉ giữ 2% danh mục đầu tư vào vàng, vì đây không phải kênh mang lại hiệu suất vượt trội trong dài hạn. Dữ liệu từ 2001-2022 của Dragon Capital cho thấy vàng chỉ đạt mức tỷ suất sinh lời trung bình 9%/năm, kém thứ hai sau ngoại tệ. Ông Tuấn nhấn mạnh rằng, trong khung thời gian dài hạn từ 10, 20 hay thậm chí 50 năm, vàng không thể cạnh tranh với các kênh đầu tư như cổ phiếu hoặc bất động sản.
Hơn nữa, đầu tư vàng chủ yếu dựa vào lãi vốn (capital gain) từ chênh lệch giá mua và giá bán, trong khi không tạo ra dòng tiền lãi ổn định. Tại nhiều thời điểm, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với thị trường quốc tế, khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi tham gia thị trường này.
Trong khi đó, Dragon Capital đánh giá cao hiệu suất đầu tư của cổ phiếu và bất động sản, cả hai đạt mức 3,5-4 điểm trên thang đo 5 điểm.
Dragon Capital nhận định thị trường chứng khoán có thể chịu tác động ngắn hạn từ các yếu tố như vĩ mô toàn cầu và chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, về trung hạn, cổ phiếu vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ sự đồng hành giữa hiệu suất thị trường và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu thuộc các ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ, như công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, thép và công nghiệp.
Ngoài ra, ông Lê Anh Tuấn cho rằng bất động sản cũng có hiệu suất đầu tư tương đương cổ phiếu khi nhìn vào dài hạn. Với sự phục hồi rõ rệt, đặc biệt ở khu vực phía Bắc và các nỗ lực tháo gỡ pháp lý được Chính phủ đẩy mạnh, thị trường địa ốc đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Các khu vực ít được chú ý trước đây cũng mang lại cơ hội hiệu suất cao hơn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý rằng rủi ro nằm ở việc các dự án mới khó đạt lợi nhuận trung hạn do nền giá mở bán ban đầu cao.
Với mức điểm 3/5, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là kênh đầu tư tốt hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, nhờ lợi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, Dragon Capital cảnh báo rằng rủi ro về an toàn và thanh khoản vẫn là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn trái phiếu.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Giám đốc Khối Trái phiếu Dragon Capital đánh giá, trái phiếu là kênh dành cho nhà đầu tư có kỳ vọng vừa phải.
"Thị trường trái phiếu năm 2024 lượng phát hành đã tăng trên 50%, lãi suất khá ổn, đáo hạn nhiều. Do đó, kênh trái phiếu có nguồn cung sẽ đa dạng hơn vào năm 2025 và nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư" bà Hồng nói.