Xu hướng du lịch nội địa
Theo nhiều chuyên gia lữ hành, do dịch Covid-19 nên xu hướng du lịch nội địa được nhiều du khách quan tâm hơn.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cũng như các khu, điểm du lịch trong tỉnh đang từng bước đổi mới để thích ứng.
Du lịch "giãn cách"
Nhiều tín đồ du lịch cho biết do tâm lý e dè vì dịch Covid-19 nên xu hướng của họ là đi đến những điểm du lịch gần, rút ngắn thời gian và lựa chọn những điểm đến an toàn. Anh Nguyễn Văn Phong (44 tuổi) ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho biết dịp hè mỗi năm nhà anh đều đi du lịch xa. Nhưng năm nay do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên kế hoạch của gia đình anh phải thay đổi. "Sắp tới gia đình tôi dự kiến đi du lịch Hạ Long và lựa chọn tour trọn gói trên tàu tham quan vịnh. Điểm đến này gần nhà, đáp ứng được nhu cầu đi du lịch lại tránh tiếp xúc đông người", anh Phong chia sẻ.
Nhiều gia đình khác cho biết cũng sẽ chọn đi du lịch cuối tuần tại một số điểm đến hấp dẫn ở Hải Dương hoặc gần Hải Dương, nhưng phải an toàn dịch bệnh. Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (47 tuổi) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cũng có sở thích đi du lịch. Do dịch nên gia đình chị sẽ lựa chọn các điểm đến gần nhà để phù hợp với quỹ thời gian và hầu bao của mình. Chị đã dự định sau khi con trai thi tốt nghiệp THPT xong cả nhà sẽ lựa chọn một số điểm du lịch trong tỉnh để xả stress. "Tôi sẽ lựa chọn các điểm đến như Côn Sơn-Kiếp Bạc hoặc Đảo Cò, Đền Cao An Phụ, chùa Nhẫm Dương. Vừa an toàn, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu của gia đình vừa làm lợi cho du lịch tỉnh nhà", chị Hạnh nói.
Thay đổi để thích ứng
Với xu hướng du lịch như trên, rõ ràng trong thách thức thì du lịch nội địa đang có thời cơ. Để đón đầu xu hướng du lịch mới này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang điều chỉnh chiến lược, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Chị Hoàng Thị Thúy, đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt cho biết xu hướng du lịch nội địa đang là lựa chọn của nhiều người, nhất là du lịch cuối tuần. Họ chọn các điểm đến an toàn và khoảng cách gần như Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn, Pù Luông (Thanh Hóa), Kim Bôi, Mai Châu (Hòa Bình)... Khách chủ yếu là nhóm gia đình, đoàn ít người và chọn đặt các dịch vụ từng phần như phòng khách sạn. Đặc biệt gần sát ngày đi họ mới đặt dịch vụ để tránh rủi ro phát sinh.
"Công ty chúng tôi đã nghiên cứu điều chỉnh, xây dựng các sản phẩm tour ngắn ngày, khoảng cách gần với Hải Dương, phù hợp với nhu cầu của du khách. Liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng để có thông tin chính xác về giá cả, dịch vụ... tư vấn và đặt cho du khách", chị Thúy cho biết.
Hiện toàn tỉnh có 9 khu, điểm du lịch đã được công nhận. Để thích ứng với xu hướng trên, một số khu, điểm du lịch trong tỉnh cũng đã và đang từng bước đổi mới để hút du khách.
Đơn cử như khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, ngoài cải tạo kiến trúc, cảnh quan môi trường, mới đây di tích đã đưa vào hoạt động điểm trưng bày về hình ảnh và hiện vật cổ đền Kiếp Bạc; điểm thưởng thức "Trà sen Kiếp Bạc", giới thiệu các sản phẩm du lịch của Hải Dương; điểm check in tại hồ sen Kiếp Bạc... bước đầu đã mang lại hiệu quả, được du khách đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết để thu hút du khách đơn vị đã đa dạng các hình thức tuyên truyền; nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục xây dựng sản phẩm mới "Trà cúc Côn Sơn"; cải tạo cảnh quan 3,6 ha khu vực ngoài cổng chùa Côn Sơn. "Để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch có tính đồng bộ, tạo đòn bẩy phát triển, chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông vào đền Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn, bố trí các điểm dịch vụ, bến bãi phù hợp", bà Liên nói.
Còn Bảo tàng tỉnh cũng đã thiết kế nhà trưng bày chính, nhà trưng bày gốm sứ, hệ thống trưng bày ngoài trời với các hiện vật đa dạng, bài trí khoa học, hấp dẫn; thiết kế các hoạt động trải nghiệm cuốn hút du khách...
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết bên cạnh việc định hướng các khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sản phẩm mới, ngành sẽ xây dựng, liên kết các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh để phù hợp với xu hướng du lịch nội địa. Ngành cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ; triển khai xây dựng các dự án, đề án; thu hút các tập đoàn du lịch có uy tín đầu tư phát triển du lịch. Tập trung cho các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch có ý nghĩa vùng, quốc gia. Ngành sẽ nỗ lực chủ động, tích cực tham mưu cụ thể hóa Chương trình số 02 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với trọng tâm là du lịch chất lượng cao...
"Ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ luôn đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19. Ngành đã và đang phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là đợt hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP", ông Trung cho biết thêm.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/du-lich/xu-huong-du-lich-noi-dia-172607