Xu hướng 'hôn nhân tình bạn' của giới trẻ Nhật Bản: Không tình yêu, không lãng mạn
Tại Nhật Bản, một xu hướng kết hôn mới đang ngày càng được nhiều người trẻ ưa thích, đó là 'hôn nhân tình bạn'. Hai người kết hôn vẫn về sống chung nhưng giữa họ chỉ là tình bạn chứ không có tình yêu. Tại sao người Nhật lại lựa chọn xu hướng này và họ sẽ sống chung ra sao?
Một xu hướng mới ở Nhật Bản đang thách thức khái niệm truyền thống về kết hôn - vốn được coi là sự gắn kết giữa 2 người yêu nhau, có tình cảm lãng mạn. Xu hướng mới này - gọi là “hôn nhân tình bạn” - đang ngày càng thịnh hành.
Trong những cuộc "hôn nhân tình bạn", hai người lấy nhau không phải là người yêu, cũng không có quan hệ thân mật mà chỉ sống cùng như những người bạn. Họ lấy nhau dựa trên việc có những sở thích và giá trị chung, dễ chia sẻ với nhau.
“Hôn nhân tình bạn cũng như có một người bạn ở cùng và có những sở thích chung vậy” - một người đã có cuộc hôn nhân như vậy trong 3 năm nói với trang SCMP.
Một người khác nói: “Tôi không phù hợp làm người yêu của ai cả, nhưng tôi có thể là một người bạn tốt. Nên tôi chỉ muốn ở cùng ai đó hợp “gu” với mình, cùng làm những việc mà cả hai đều thích, cùng trò chuyện, thế thôi”.
2 người trong một cuộc “hôn nhân tình bạn” sẽ thỏa thuận với nhau về nhiều khía cạnh của “cuộc sống gia đình”, bao gồm đóng góp tiền ra sao, chia công việc nhà thế nào, ai được dùng ngăn nào trong tủ lạnh…
Mặc dù không có sự thân mật hay lãng mạn như các cặp vợ chồng truyền thống, nhưng những cặp đôi có “hôn nhân tình bạn” vẫn được pháp luật công nhận là đã kết hôn, và có đến hơn 80% số cặp đôi sống hạnh phúc lâu dài, theo Colorus, công ty đầu tiên ở Nhật chuyên hỗ trợ kiểu kết hôn này. Colorus cũng cho biết, nhiều cặp đôi như vậy quyết định có con, chủ yếu bằng cách nhận con nuôi.
Theo các chuyên gia phân tích tâm lý và xã hội, đa số người lựa chọn “hôn nhân tình bạn” là ở độ tuổi trên dưới 30, có thu nhập cao hơn mức trung bình. Họ không thích những mối quan hệ lãng mạn, yêu đương, nhưng muốn có người sống chung để cảm thấy cuộc sống ổn định hơn, có người chia sẻ áp lực, hỗ trợ nhau về cảm xúc. Tuy nhiên, họ ít phải chịu những sự gò bó của hôn nhân truyền thống, chẳng hạn, họ vẫn có thể thoải mái đi chơi với bạn bè riêng mà không sợ vợ/ chồng phàn nàn, họ không cần có trách nhiệm với gia đình (bố mẹ, họ hàng) của đối phương…
Theo thống kê, hiện tại ở Nhật có ít nhất khoảng 500 người đang có “hôn nhân tình bạn”.
Thục Hân
Theo nhiều nguồn tin