Xu hướng kết hợp các loại hình nghệ thuật trên sân khấu: Nỗ lực đổi mới để 'hút' khán giả
Vừa qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam kết hợp đã cho ra mắt vở 'Cây gậy thần' - vở diễn kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và xiếc. Đây là lần đầu tiên có một 'mối lương duyên' giữa 2 bộ môn nghệ thuật hoàn toàn khác biệt trên sân khấu nhưng đã đem lại cho khán giả nhiều trải nghiệm mới mẻ.
Đồng thời, vở diễn cũng là một dấu mốc về xu hướng kết hợp các loại hình nghệ thuật trong nỗ lực làm mới để thu hút khán giả của sân khấu nước nhà.
Những mối duyên lành
Vở "Cây gậy thần" ra đời sau 3 tháng tập luyện miệt mài của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam, với bàn tay đạo diễn của NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng.
Đây cũng là dự án nghệ thuật chung của 2 nhà hát mang tên "Huyền sử Việt" gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh được phong là "tứ bất tử" trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt, bao gồm: Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh (dự kiến kéo dài từ 2020 - 2023).
"Cây gậy thần" là vở diễn đầu tiên của dự án này và mối tình của chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử với nàng công chúa Tiên Dung là câu chuyện đã trở nên quen thuộc với tâm thức người Việt.
Với cốt truyện này, việc dựng một vở kịch hát truyền thống như chèo, cải lương đã trở thành những mô-típ quen thuộc, dễ thành công, nhưng khi phối hợp với xiếc lại có những đòi hỏi đặc biệt khắt khe. Nghệ sĩ cải lương phải học thêm cách trình diễn của nghệ thuật xiếc và ngược lại.
Sự kết hợp này từ ý tưởng đến hành động hết sức mới mẻ, táo bạo: nó không chỉ làm thay đổi diện mạo truyền thống của một vở cải lương hoặc xiếc, mà đem đến những cảm thức mới cho khán giả.
Sự thành công của những sáng tạo không giới hạn, phá vỡ khoảng cách để 2 loại hình sân khấu khác biệt tịnh tiến lại gần nhau có thể trở thành một nguồn cổ vũ, động viên lớn cho các nghệ sĩ tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm, khám phá và đưa vào các vở diễn.
Thực tế, để có được sự kết hợp ăn ý này, các nghệ sĩ đã có những quá trình lao động không mệt mỏi trong hành trình đi tìm "cái mới" chứ không phải là chuyện ngày một ngày hai.
Trước đây, đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên trong vở "Ngạ quỷ" do anh làm đạo diễn đã mạnh dạn đưa hình tượng những con rối vào một số lớp diễn tạo nên những hình tượng mới lạ, độc đáo cho vở diễn. Có lẽ, từ những thành công ban đầu này đã khiến NSND Triệu Trung Kiên tiếp tục với những thử nghiệm mới với một dự án dài hơi "Huyền sử Việt" cùng với người bạn nghề của mình là NSND Tống Toàn Thắng.
Còn NSND Tống Toàn Thắng từng khá thành công với vở xiếc "Hà Nội của những giấc mơ" (2019). Đây là một chương trình xiếc có thời gian kỷ lục (90 phút) với 3 phần được thiết kế theo cách kể một câu chuyện về lịch sử Hà Nội linh thiêng - hào hoa - anh dũng được thể hiện qua các tiết mục xiếc kết hợp với âm nhạc, những bài hát chọn lọc về Hà Nội.
Vở diễn này được Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn dự thi tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019 - Hà Nội và nhận được sự ngạc nhiên, thán phục, thích thú của một số bạn bè quốc tế.
Để xây dựng một chương trình có xu hướng tích hợp các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, múa, sân khấu với xiếc trong "Hà Nội của những giấc mơ" đã đòi hỏi những nỗ lực đáng kể của tập thể các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Theo NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì "Đây thực sự là hướng đi mới đem lại hiệu quả trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, xây dựng chương trình biểu diễn mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã theo đuổi một số năm gần đây, nhưng đến "Hà Nội của những giấc mơ" anh mới cảm thấy thực sự hài lòng".
Xu hướng tất yếu
Chắc hẳn không nhiều người còn nhớ, hồi năm 2005, trong Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, lần đầu tiên xuất hiện một vở kịch nói có sự kết hợp giữa 2 bộ môn nghệ thuật sân khấu và điện ảnh trong vở "Bản danh sách điệp viên" của đạo diễn NSND Tuấn Hải.
Lần đầu tiên, những hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng trong điện ảnh được xây dựng thành các trích đoạn video đưa lên sân khấu kịch nói truyền thống qua màn hình chiếu.
Lúc ấy, có rất nhiều ý kiến khen - chê khác nhau: người thì nói đó là một ý tưởng táo bạo, mới mẻ và vở diễn rất xứng đáng được giải cao với những thử nghiệm mới; người lại nói cách kết hợp này chứa đựng nhiều yếu tố bất hợp lý, "phá" đi kịch bản cũ từng rất nổi tiếng của nhà viết kịch Văn Báu gắn với tên tuổi của Đoàn kịch Công an nhân dân.
Tuy nhiên, ở thời điểm vở diễn ra mắt, sự kết hợp này là mới mẻ với sân khấu Việt Nam, nhưng sân khấu hiện đại của thế giới thì không còn là điều mới mẻ vì đã có nhiều nhà hát thực hành cách làm này. Cách kết hợp này đem lại những hiệu quả tích cực, làm cho sân khấu trở nên sinh động hơn, hiện đại hơn.
Có thể nói, những năm gần đây, sự ra đời của một số vở diễn có xu hướng kết hợp nhiều loại hình đang được đem đến cho sân khấu một đời sống có phần sinh động hơn. Cuối năm 2019, vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" do Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp dàn dựng.
Vở "Ngàn năm mây trắng" với sự tham gia đạo diễn của NSND Thanh Ngoan và NSND Triệu Trung Kiên đã đem đến những trải nghiệm mới cho khán giả yêu thích kịch hát truyền thống. Đây cũng là lần đầu tiên khán giả Việt Nam được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau trong một vở diễn: từ hát cải lương đến hát chèo, hát xẩm và hát văn Huế...
Sự phối kết hợp này đã cho khán giả cơ hội được thưởng thức những làn điệu âm nhạc truyền cảm và đầy thích thú mang đặc trưng văn hóa vùng miền của Việt Nam. Và cũng chính là sự thử nghiệm táo bạo của NSND Thanh Ngoan cũng như NSND Triệu Trung Kiên trong nỗ lực làm mới sân khấu để thu hút khán giả.
Cuối tháng 9-2020, vở nhạc kịch "Trại hoa vàng" (Nhà hát Tuổi trẻ) - vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do NSƯT Ánh Tuyết làm đạo diễn đã ra mắt khán giả và đặc biệt gây chú ý trong giới trẻ học sinh - sinh viên.
"Trại hoa vàng" là một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được lứa tuổi mới lớn yêu thích, bởi đây là một tác phẩm văn học đầy chất thơ, với những mộng mơ, hoài bão và cả những lo lắng, băn khoăn, lựa chọn của tuổi trẻ trước những nẻo đường vào đời.
Đối với NSƯT Ánh Tuyết, "Trại hoa vàng" là vở diễn đầu tay và cũng là tác phẩm chứa đựng nhiều ấp ủ. Từng là ca sĩ, cựu thành viên của nhóm nhạc “Con gái”, cũng dễ hiểu khi Ánh Tuyết chọn hình thức nhạc kịch cho"Trại hoa vàng" để gửi gắm "giấc mơ" của mình trên sân khấu. Chính vì thế "Trại hoa vàng" đã mở ra một lối đi riêng của những người làm nghệ thuật khi tiếp cận lớp khán giả trẻ.
Vở diễn không chỉ khắc họa thành công những nhân vật trong nguyên tác, mà còn tạo nên một không gian nghệ thuật hiện đại, đầy màu sắc, sôi động, lãng mạn và đầy hấp dẫn, đáp ứng được thị hiếu người trẻ bằng việc đưa vào vở diễn những ca khúc đang được thịnh hành trong giới trẻ như "Và thế là hết" (Sobin Hoàng Sơn), "Con đường tôi" (Trọng Hiếu)...
Việc tạo nên một khán phòng biểu diễn với không gian tràn ngập màu sắc rực rỡ hoa lá, bên cạnh đó là sự trẻ trung, sôi động của âm nhạc và vũ đạo đã cho thấy đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết có một cái nhìn rất "tiệm cận" với đời sống và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ hiện nay.
Chị chia sẻ: “Việc dàn dựng một vở diễn sân khấu dành cho lứa tuổi học trò với những lát cắt tâm lý đa dạng là một thách thức với bất kỳ đạo diễn nào. Ngoài việc nỗ lực giải mã và đưa lên sân khấu trọn vẹn tinh thần của nguyên tác văn học, tôi muốn bản diễn sân khấu “Trại hoa vàng” đưa khán giả lập tức đắm mình vào thế giới mộng mơ đầy hoài niệm sau cánh cửa khán phòng".
Sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo sôi động đã liên tục đánh thức giác quan người xem, sự tương tác giữa những phân cảnh điện ảnh và sân khấu cũng được tận dụng để tối đa hóa trải nghiệm của khán giả. Chắc hẳn với thành công ban đầu này, đạo diễn - NSƯT Ánh Tuyết sẽ còn tiếp tục với những dự án ấp ủ kết hợp giữa sân khấu và âm nhạc trong thời gian tới.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/no-luc-doi-moi-de-hut-khan-gia-623951/