Xu hướng mới - lối sống mới
Tiếp cận sớm và nhanh nhạy công nghệ giúp thế hệ gen Z làm chủ công nghệ, dễ dàng thích ứng trong đời sống số. Tuy nhiên, nếu quá “chạy theo” công nghệ, bị hút bởi công nghệ, cũng làm gen Z nảy sinh một số vấn đề trong giao tiếp, ứng xử trong đời sống xã hội, dễ bị bệnh tâm lý hơn…
* “Nhiều em bị đơ”
Theo cô Đào Thị Oanh, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Bá Học (xã Đắk Lua, H.Tân Phú): “Gen Z là lứa tuổi trẻ, đang trong giai đoạn hình thành nhân cách sống, một số em đang ở lứa tuổi mới lớn, chưa đủ chín chắn, có những biến đổi lớn trong tâm sinh lý, nhưng các em khác với các thế hệ 8X, 9X trước đây, các em Gen Z tiếp xúc nhiều với không gian mạng, dễ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu, lối sống nếu không được định hướng tốt từ gia đình, nhà trường”.
Cô Oanh chia sẻ thêm, nhiều em bị “đơ” vì tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ có kết nối mạng. Qua tìm hiểu, các em ít xem phim hoạt hình mà thích chơi game online, xem các clip nội dung không có tính giáo dục… Do các em “bắt trend” học theo điều không tốt một cách nhanh nhạy nên nhập tâm, nói bậy… Những người làm công tác giáo dục, công tác Đoàn, Đội trong học đường phải luôn tích cực gần gũi nắm bắt, cùng với gia đình giáo dục các em về giáo dục sức khỏe giới tính, ngăn chặn bạo lực học đường.
Do tiếp xúc nhiều với công nghệ, gen Z dễ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị; các bệnh về xương như vẹo cột sống; các bệnh về thần kinh như: rối loạn TIC (tình trạng cử động bất thường ở một nhóm cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được); một số bệnh tâm lý như rối loạn tâm lý, không muốn giao tiếp với người khác, trầm cảm…
* Gần gũi, chia sẻ và định hướng
Cũng đặc điểm nổi bật là hoạt ngôn và sáng tạo nên ngôn ngữ của gen Z là một tiêu chí khác biệt so với các thế hệ khác. Hầu như chỉ có các gen Z đồng trang lứa mới nắm bắt nhanh nhạy được những từ như: “cơm chó” để chỉ hành động yêu thương dành cho nhau; “mãi mận” có nghĩa là mãi mặn mà, “nhiều muối”, hay quăng miếng, hay mua vui cho mọi người; “ghét gô” là phiên âm của từ tiếng Anh “Let’s go” là chuẩn bị đi; “chằm Zn” có nghĩa là trầm cảm; “jztr” “ultr” là gì vậy trời, u là trời; “khum” nghĩa là không…
Ở góc độ phụ huynh, chị Trần Thị Ngọc (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) có 2 con đang học năm nhất đại học và lớp 9 cho biết: “Tuổi mới lớn thời nào cũng có những xáo trộn lớn về tâm lý, sinh lý, ngôn ngữ... Nhưng thời đại 4.0 hiện nay, con tiếp xúc với công nghệ, kết nối mọi lúc, vô biên, càng gây ra những khó khăn khi nuôi dạy con lứa tuổi này. Ví như con tôi nhắn tin, nói chuyện với bạn bè, có những từ không hiểu tôi phải lên mạng tra mà cũng chưa hiểu hết. Tìm hiểu rồi thì khi tham gia mạng xã hội mới hiểu các con nói cái gì. Không phải mình tò mò mà trong cách ứng xử tinh tế, có hiểu con, gần gũi với con thì mới chia sẻ, thấu hiểu và định hướng cho con được”.
Ngoài ra, theo các bậc phụ huynh, cũng nên khuyến khích gen Z tham gia các hoạt động vận động thể chất, các hoạt động cộng đồng, xã hội để tránh những ảnh hưởng tiêu cực nếu có do sử dụng nhiều thiết bị công nghệ có thể mang lại.
Đặc biệt, cùng với việc thành thạo công nghệ và dành nhiều thời gian tiếp xúc với inernet, gen Z cũng là nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi những người nổi tiếng, KOL (người có sức ảnh hưởng) trên mạng. Bàn về những người truyền cảm hứng trên mạng xã hội đối với giới trẻ hiện nay, anh Nguyễn Minh Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hiện nay có rất nhiều KOL trên mạng xã hội là thần tượng được giới trẻ hâm mộ, theo dõi. Có những người sáng tạo nội dung tích cực, truyền cảm hứng trong học tập, sáng tạo, trải nghiệm cuộc sống cho thanh niên nhưng cũng có những nội dung tiêu cực, xấu, độc. Do đó, việc đồng hành, định hướng cho giới trẻ khi sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết.