Xu hướng phát triển thư viện số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với hệ thống thư viện trường học. Xây dựng các thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử không chỉ đáp ứng xu thế chung của thời đại, mà còn là yêu cầu tự thân của hoạt động ngành thư viện. Việc số hóa thư viện giúp học sinh, sinh viên hoàn thiện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, đẩy mạnh tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Thư viện thời kỳ công nghệ số

Trước đây, thư viện đơn thuần là nơi cất giữ sách, báo, tạp chí... và để tiếp cận nguồn tài liệu này, người đọc không có cách nào khác là phải thông qua các thủ thư. Song, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện nay, thư viện của nhiều trường phổ thông, cơ sở đào tạo được phát triển theo xu hướng số hóa, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giáo dục. Các trường phổ thông, cơ sở đào tạo ứng dụng chuyển đổi số thư viện không chỉ giúp học sinh, sinh viên, học viên tiếp cận với xu thế công nghệ mới mà còn tạo môi trường đọc, tiếp nhận thông tin hiện đại, thông minh, tiện lợi hơn.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm truy cập dữ liệu tại thư viện điện tử của trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm truy cập dữ liệu tại thư viện điện tử của trường.

Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (TP.Quảng Ngãi) bắt đầu xây dựng thư viện số từ năm 2023. Sau 1 năm triển khai, ứng dụng thư viện của trường đã bắt đầu được giảng viên, sinh viên khai thác phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập. Mỗi sinh viên, giảng viên của trường được cung cấp một tài khoản riêng. Thư viện số đã hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm kiếm tài liệu. Em Lâm Ly Ly, lớp cao đẳng dược 7C, Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm chia sẻ, thư viện số phát triển trong trường học đáp ứng nhu cầu thông tin của sinh viên. Đồng thời, tạo ra môi trường học thuật mở, giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm tài liệu, nâng cấp chất lượng công trình nghiên cứu và luận án. Em thường xuyên vào thư viện để tra một số thông tin phục vụ cho việc học tập, ôn thi thay vì đến trực tiếp thư viện để mượn sách như trước đây.

Mức độ tự động hóa cao
Theo Tổ trưởng Tổ Thông tin - Thư viện (Trường Đại học Tài chính - Kế toán) Nguyễn Thị Kim Tường, toàn bộ hoạt động của thư viện được thực hiện theo một quy trình công nghệ. Bởi vậy, quản lý hoạt động thư viện chính là quản lý quy trình công nghệ thư viện. Trong thư viện hiện đại, tùy vào cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin mà quy trình công nghệ thư viện được thực hiện tự động hóa ở mức độ ít hay nhiều. Nhìn chung, thư viện hiện đại đã sử dụng phần mềm để tự động hóa quy trình công nghệ thư viện. Nói một cách khác, phần mềm thư viện chính là sự mô phỏng quy trình công nghệ thư viện nhờ công nghệ thông tin.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm Tô Kỳ Nam cho rằng, điều quan trọng nhất của thư viện điện tử là học liệu số. Những học liệu số nếu như được kết nối với các trường khác trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp và các trường đại học hoặc kể cả ngoài ngành giáo dục thì kho học liệu số sẽ được chia sẻ rộng rãi. Lúc đó, các trường sẽ cải thiện rất nhiều trong việc cung cấp nguồn tài liệu dồi dào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngày nay, thư viện số đã và đang có sự thay đổi rõ rệt. Vì vậy, cán bộ thư viện tại các trường đại học tập trung phát triển nguồn lực thông tin cho người dùng thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: Liên thông, liên kết và chia sẻ nguồn lực thông tin với các trường đại học khác, số hóa tài liệu... Trong điều kiện thư viện hiện đại, cán bộ thư viện vừa phải thực hiện các khâu công việc truyền thống vừa phải thực hiện các khâu công việc hiện đại, thì vấn đề đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phải được quan tâm hàng đầu, nhất là vấn đề chất lượng.

Nhiều tiện ích

Chỉ cần có mạng Internet, tất cả học sinh của Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đã sử dụng được thư viện số Umbalena ở bất cứ nơi đâu. Không chỉ truy cập bằng máy tính, thư viện số còn cho phép người dùng sử dụng đa dạng phương tiện, thiết bị như: Máy tính bảng, điện thoại thông minh để tìm kiếm, đọc, tải về, sử dụng tài liệu trực tuyến. Nguồn sách phong phú, tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện... Đây là những tiện ích của thư viện số. Em Võ Lý Ngọc Thảo, Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa cho biết, mùa hè, thư viện trường đóng cửa nên học sinh không thể tiếp cận nguồn sách ở thư viện. Nhưng giờ đây, em có thể ngồi tại nhà, tại lớp để đọc sách trên điện thoại nên rất thuận tiện. Em hay đọc sách về toán học, khoa học hoặc một số truyện tranh...

Trường Đại học Tài chính - Kế toán tạo môi trường thư viện thông thoáng phục vụ nhu cầu của sinh viên, học viên.

Trường Đại học Tài chính - Kế toán tạo môi trường thư viện thông thoáng phục vụ nhu cầu của sinh viên, học viên.

Thư viện số Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa được đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2023 - 2024, nhằm tạo không gian đọc cho học sinh, giáo viên, mang lại sự thay đổi đáng kể về văn hóa đọc. Đến nay, thư viện số Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa đã cập nhật hàng nghìn đầu sách. Theo cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Yến, mỗi học sinh được cấp một tài khoản để truy cập. Trong thư viện số, tài liệu rất phong phú. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm định hướng cho học sinh những đầu sách phù hợp với từng khối lớp, từng mảng kiến thức. Ở nhà, phụ huynh cũng có thể hướng dẫn cho các em làm bài tập trên cơ sở tài liệu được chọn lọc trên thư viện số.

Sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi tìm kiếm nguồn sách, tài liệu ở thư viện.

Sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi tìm kiếm nguồn sách, tài liệu ở thư viện.

Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh xây dựng phần mềm thư viện số Hilib từ năm 2019. Trung tâm Thư viện Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đã số hóa các tài liệu nội sinh thuộc bản quyền của trường như: Giáo trình, luận văn, luận án, bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu, đồ án tốt nghiệp... Tính đến tháng 6/2024, thư viện số có gần 20 nghìn tài liệu toàn văn. Đầu năm học, mỗi sinh viên, học viên được cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi Phạm Việt Hùng, mỗi tháng, có hơn 300 nghìn lượt truy cập tài liệu số của Trung tâm Thư viện Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Số liệu thống kê cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc về lượt truy cập, nhu cầu thông tin và sự quan tâm của người học về tài liệu số. Ngoài ra, Trung tâm Thư viện trường còn có 5 cơ sở dữ liệu trực tuyến được mua quyền truy cập với khoảng 15 triệu tài liệu toàn văn, bao gồm sách điện tử, bài báo khoa học, tạp chí chuyên ngành... Theo đó, sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi cũng được thụ hưởng, truy cập vào dữ liệu thư viện trường thông qua mạng nội bộ, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tham khảo, phục vụ học tập và nghiên cứu của người học.

Việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý và vận hành thư viện trong trường phổ thông, các cơ sở đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy theo hướng hiện đại hơn, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đây cũng là một tín hiệu vui khi văn hóa đọc vẫn còn được quan tâm và lan tỏa trong thời đại công nghệ 4.0.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/giao-duc/202407/xu-huong-phat-trien-thu-vien-so-2bc10fd/