Triển khai hiệu quả hoạt động công đoàn gắn với chuyên môn và thực tiễn

Sáng 5/7/2024, Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề 'Trí tuệ tự nhiên của người lãnh đạo' nhằm thực hiện Chương trình công tác năm 2024 với mục tiêu triển khai hiệu quả hoạt động công đoàn gắn với chuyên môn và thực tiễn.

GS.TS Trần Ngọc Anh chia sẻ tại buổi nói chuyên

GS.TS Trần Ngọc Anh chia sẻ tại buổi nói chuyên

Tại buổi nói chuyện, GS.TS. Trần Ngọc Anh, học giả quốc tế, Đại học Indiana, Hoa Kỳ chia sẻ 3 yếu tố quyết định sự thành công của một người lãnh đạo từ việc được bổ nhiệm vào các vị trí, chức vụ lãnh đạo cho đến những người lãnh đạo “tự thân” là định tâm, trí tuệ, nhiệt huyết. 3 yếu tố này sẽ giúp người lãnh đạo xác định rõ con đường, phương hướng dẫn dắt họ đến với mục tiêu, lý tưởng mà các học giả phương tây gọi là “vào mạch”, hay như theo Lão Tử gọi là Đạo. Khi con người có mục tiêu, lý tưởng hay ngộ đạo, họ cảm nhận được hạnh phúc trong công việc, từ đó mọi việc triển khai trở lên thông suốt.

Ông cũng chỉ ra một người lãnh đạo thành công là người truyền mạch nhiệt huyết và niềm hạnh phúc, hay “đạo” này cho nhân viên để cùng xây dựng một đơn vị trí tuệ, hạnh phúc và nhiệt huyết.

Chỉ ra sự khác nhau căn bản giữa trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo là trí tuệ cảm xúc, là sự tự nhận thức và giác ngộ của con người, GS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết các ý tưởng sáng tạo và thành công thường đến khi có hai điều kiện xảy ra. Một là một sau khi nghiên cứu kỹ, suy nghĩ sâu về sự việc hiện tượng quan sát, thường gọi là Trí. Hai là vào lúc tâm minh mẫn, tập trung, gọi là Tuệ. Tuệ là cái “biết” sâu sắc, là năng lực tự nhiên của mỗi con người, là khác biệt giữa chúng ta và máy tính, AI.

Các cán bộ NHTW giao lưu cùng diễn giả

Các cán bộ NHTW giao lưu cùng diễn giả

GS.TS. Trần Ngọc Anh ví von: Tâm của con người như cây cổ thụ, gồm hai tầng. Tầng cành lá dễ nhìn thấy là ý thức, giúp con người nhận thức, tư duy, suy nghĩ, phân tích, quyết định, kế hoạch, hành động. Tầng gốc rễ khó nhìn thấy là tiềm thức, cho con người tình cảm, động lực, sáng tạo. Tiềm thức có được thông qua thực hành. Để trở thành người lãnh đạo và phát triển trí tuệ tự nhiên của người lãnh đạo, chúng ta cần nhìn rõ 2 tầng tâm, phát triển 3 năng lực tự nhiên là: Trí tuệ - Nhiệt huyết - Hạnh phúc.

Trên cơ sở các luận giải và chia sẻ, GS.TS. Trần Ngọc Anh cho rằng để xây dựng một tổ chức trí tuệ thì quan trọng nhất là cần phải có người lãnh đạo có tâm, có tầm, xây dựng được các giá trị chung như hạnh phúc, nhiệt huyết, tôn trọng, minh bạch…; quản trị, làm việc và hợp tác có hiệu quả giữa các cá nhân trong tổ chức.

Tại buổi nói chuyện, GS.TS. Trần Ngọc Anh cũng chia sẻ và hướng dẫn thực hành các kỹ năng để hạnh phúc từ tâm, kỹ năng sáng tạo thông qua hình thức thiền.

Phát biểu tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, ông Cao Văn Bình kỳ vọng những kiến thức về tiềm năng lãnh đạo của con người, các kiến thức khoa học trí tuệ của con người mà GS.TS. Trần Ngọc Anh chia sẽ giúp các cán bộ, lãnh đạo NHTW nâng cao hiểu biết, có nhiều thông tin bổ ích áp dụng vào cuộc sống và công việc; đồng thời phát huy được năng lực trí tuệ của mình công hiến nhiều hơn cho tổ chức là đạt được nhiều thành tựu trong công việc đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

GS.TS. Trần Ngọc Anh tốt nghiệp tiến sỹ về Chính sách Công tại Đại học Harvard (2009), hiện là Giáo sư tại Đại học Indiana (Hoa Kỳ). Ông đã có nhiều nghiên cứu về kinh tế phát triển và quản trị nhà nước được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu trong tài chính, kinh tế và chính trị như Journal of Financial Economics, Journal of Public Economics, American Political Science Review và nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Lãnh đạo trẻ châu Á (2001), Chuyên gia Đông Á của Liên hiệp quốc (2006), Giáo sư trẻ xuất sắc tại Đại học Indiana (2014). Ông đã thúc đẩy nhiều sáng kiến cải cách và đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trên cả nước.

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trien-khai-hieu-qua-hoat-dong-cong-doan-gan-voi-chuyen-mon-va-thuc-tien-153293.html