Xu hướng sản xuất album âm nhạc đĩa than: Phát triển hướng về chất lượng
Không rầm rộ như những hình thức ra mắt sản phẩm âm nhạc khác, thời gian gần đây, ngày càng nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt chọn cách sản xuất album đĩa than để đưa âm nhạc của mình tới khán giả.
Thị trường đĩa than vì thế cũng phát triển hơn, góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp âm nhạc Việt Nam đi lên về chất, tôn vinh những nghệ sĩ có thực lực.
Trải nghiệm âm nhạc trung thực, chất lượng
Trong tuần qua, Nghệ sĩ nhân dân Mai Hoa ra mắt đĩa than đầu tiên trong sự nghiệp mang tên “Nốt trầm - Vol 1". Album gồm những tác phẩm trữ tình nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam như “Bóng chiều xưa”, “Ngày về”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”… Nữ ca sĩ cho hay, đã ấp ủ dự án đĩa than này gần 3 năm và dành nửa năm để thu thanh. Đặc biệt, bản đĩa than “Nốt trầm - Vol 1" được sản xuất tại Mỹ, có chất lượng cao nhất của đĩa than hiện nay. Đây là sản phẩm được Nghệ sĩ nhân dân Mai Hoa hướng tới phục vụ đối tượng người nghe kỹ tính, đòi hỏi chất lượng âm thanh chân thực và tinh tế.
Cũng mới đây, ca sĩ Tuấn Hiệp trình làng đĩa than “Như gió heo may” tuyển tập những tình khúc vượt thời gian, với âm hưởng trữ tình, như: “Nỗi lòng người đi”, “Hà Nội ngày tháng cũ”, “Paris có gì lạ không em”, “Cô đơn”... Các bài hát vốn quen thuộc với công chúng qua nhiều thập niên được nhạc sĩ Quốc Vũ hòa âm theo phong cách gần với thị hiếu của giới nghe nhạc hi-end (âm thanh tái tạo có độ chính xác và trung thực rất cao, tiệm cận với âm thanh thực tế), như free-jazz, smooth jazz, bossa nova…, tạo nên không gian âm nhạc phiêu lãng. “Như gió heo may” được thu âm trực tiếp tại Mỹ, cùng ban nhạc gồm các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Vincent Nguyễn - nghệ sĩ piano, keyboard của dàn nhạc Jazz Quân đội Đức, từng tham gia soạn nhạc cho nhiều phim tài liệu, phim truyện, clip quảng cáo tại nhiều quốc gia.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ cũng đầu tư thực hiện những sản phẩm theo hình thức âm thanh cao cấp này. Có thể kể đến là nhạc sĩ Dương Thụ với album “80 năm, một giấc mơ” với sự tham gia của nhiều giọng ca tên tuổi. Nhạc sĩ Đức Trí có album đĩa than “Như chưa bắt đầu - Đức Trí và những tình khúc một thời”, “Nỗi yêu bé dại”... “Họa mi bán cổ điển” Phạm Thu Hà với dự án “Live Studio Session”, trở thành người tiên phong thực hiện sản phẩm âm nhạc với công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp tại Việt Nam. Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thắng Lợi có 2 đĩa than “Quê” và “Hà Nội riêng tôi” đem đến trải nghiệm âm nhạc chất lượng cho người nghe. Ngoài các nhạc sĩ và ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ cũng bước vào cuộc chơi này, như nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn với đĩa than “Mùa thu cho em” gồm 6 bản nhạc được chuyển soạn từ những ca khúc trữ tình nổi tiếng…
Không chỉ vậy, một số giọng ca trẻ đang mạnh dạn tham gia thị trường sản xuất đĩa than, như ca sĩ, nhạc sĩ Trịnh Thăng Bình với album đĩa than “B369” gồm 9 bài hát do anh sáng tác, với phong cách đa dạng, ra mắt đầu tháng 12-2024.
Bước tiến chuyên nghiệp của nhạc Việt
Đĩa than là định dạng sản phẩm âm nhạc phổ biến ở thế kỷ XX. Âm nhạc từ đĩa than bảo đảm tính chân thực, mộc mạc, chất lượng và không cần sự trợ giúp của kỹ thuật điện tử, công nghệ. Sau một thời gian chìm lắng, đĩa than dần trở lại đáp ứng thú vui hoài niệm và thưởng thức âm nhạc chất lượng cao của người nghe nhạc.
Với mong muốn tiếng hát của mình không chỉ phục vụ công chúng trên cánh sóng phát thanh, truyền hình, mà còn được phổ biến trong những sản phẩm audio phục vụ nhu cầu đa dạng của các đối tượng khác nhau, Nghệ sĩ nhân dân Mai Hoa đã phát hành CD album và nhiều sản phẩm âm nhạc trên nền tảng số. Tiếp tục hành trình sáng tạo với việc ra mắt đĩa than, Nghệ sĩ nhân dân Mai Hoa chia sẻ: “Song song với xu hướng đại chúng hóa các sản phẩm âm nhạc trong kỷ nguyên số, công chúng yêu âm nhạc đang đa dạng hóa và cá nhân hóa cách thức thưởng thức âm nhạc. Tôi thực hiện album đĩa than với mong muốn góp phần hồi sinh một trong những biểu tượng của công nghiệp thu thanh của thế kỷ XX, đồng thời thổi vào đó hơi thở mới của thời đại hôm nay”.
Đối tượng mà hình thức âm nhạc này hướng tới là những người nghe nhạc kỹ tính, đòi hỏi sự chân thực, tinh tế và âm thanh chất lượng cao, vì vậy, việc sản xuất đĩa than đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe. Ca sĩ Phạm Thu Hà cho hay, thực hiện một đĩa than, ê kíp phải chuẩn bị và tập luyện trong thời gian dài để có thể thu âm trực tiếp cùng lúc 4 bộ phận âm thanh, hình ảnh, dàn nhạc và ca sĩ hát bảo đảm chất lượng, ăn khớp, chân thực. Ca sĩ, nhạc sĩ Trịnh Thăng Bình cũng chia sẻ, anh mất 3 năm học hỏi, trau dồi kiến thức âm nhạc để đem đến những sản phẩm âm nhạc trẻ mang chất lượng cao.
Sản xuất hàng chục album đĩa than của bản thân và nhiều ca sĩ khác, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng, hình thức này đang là xu hướng trên thế giới và dần phát triển trở lại ở Việt Nam. Có một tầng lớp khán giả đòi hỏi cao về chất lượng âm thanh, âm nhạc và cả hình thức sản phẩm. Đây là thị trường nhánh nhưng không nhỏ và đó là tín hiệu cho thấy bước tiến chuyên nghiệp của nhạc Việt.
Thực tế, những “tín đồ” của đĩa than đều am hiểu về âm thanh và họ sẵn sàng chi một khoản lớn để được trải nghiệm, thưởng thức âm nhạc bằng định dạng này. Ngoài ra, hiện nay, phần lớn các nghệ sĩ ra mắt sản phẩm đĩa than cùng lúc với các định dạng khác như CD, phát hành trên nền tảng số. Chất lượng âm thanh vì thế cũng cao hơn so với sản phẩm thông thường. Do đó, việc khuyến khích các nghệ sĩ sản xuất đĩa than sẽ góp phần nâng cao chất lượng âm nhạc Việt và hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa theo chiều sâu.