Xu hướng sinh viên Trung Quốc ngày càng chọn lao động chân tay

Sau khi tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu Trung Quốc và làm việc với tư cách là nhà thiết kế hình ảnh trong bốn năm, Liu Litai đã trở thành người chải lông cho thú cưng.

Chọn lao động chân tay thay cho trí óc

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Lianhe Zaobao, cô gái 28 tuổi này cho biết cô không thấy con đường thăng tiến rõ ràng nào trong công việc hành chính trước đây của mình và thậm chí có thể bị cắt hợp đồng sau khi bước sang tuổi 30. Nhưng việc học một nghề thủ công đã mang lại cho cô cảm giác an toàn nhất. “Tôi có thể tồn tại ngay cả khi tôi mở một quầy hàng rong”, Liu nói.

 Công việc thợ chải lông thú cưng tại Trung Quốc có thể đem lại thu nhập 1400 USD/tháng. Ảnh: Xinhua

Công việc thợ chải lông thú cưng tại Trung Quốc có thể đem lại thu nhập 1400 USD/tháng. Ảnh: Xinhua

Sau gần hai năm làm thợ chải lông cho thú cưng, thu nhập hàng tháng của Liu tăng từ 3.500 NDT (490 USD) lên khoảng 10.000 NDT (1400 USD). Hiện tại, cô không cân nhắc đến việc lập kế hoạch nghề nghiệp và thích "sống từng ngày".

Trong năm qua, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc như Liu đang từ bỏ sự e dè để đảm nhận các công việc thủ công nhẹ nhàng. Không giống như công việc thủ công thông thường đòi hỏi thể lực, công việc thủ công nhẹ nhàng chủ yếu diễn ra trong nhà và bao gồm các công việc như nhân viên pha chế, nhân viên cửa hàng tiện lợi, nhân viên hiệu sách, thu ngân và thợ lắp đặt thiết bị.

 Vốn bị đánh giá thấp hơn các ngành học thuật, nhưng trong những năm gần đây, đào tạo nghề đã nhận được nhiều sự chú ý hơn vì nền kinh tế Trung Quốc cần một lượng lớn nhân viên kỹ thuật và thợ giỏi. Ảnh: Straits Times

Vốn bị đánh giá thấp hơn các ngành học thuật, nhưng trong những năm gần đây, đào tạo nghề đã nhận được nhiều sự chú ý hơn vì nền kinh tế Trung Quốc cần một lượng lớn nhân viên kỹ thuật và thợ giỏi. Ảnh: Straits Times

Trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, Douban, một nhóm sở thích về công việc chân tay nhẹ được thành lập vào năm 2022 đã chứng kiến số lượng thành viên tăng gấp nhiều lần trong năm qua, vượt quá 88.000.

Vào tháng 6, nền tảng việc làm Trung Quốc Zhaopin đã công bố báo cáo thường niên về phát triển nhân tài lao động chân tay cho thấy trong quý đầu tiên của năm 2024, đơn xin việc lao động chân tay trong số những người tìm việc dưới 25 tuổi đã tăng 165% so với cùng kỳ năm 2019.

"Sự mất giá" của các bằng cấp học thuật

Một nghiên cứu do Viện Khoa học Giáo dục Thượng Hải thực hiện năm 2013 cho thấy trong thập kỷ từ 2010 đến 2020, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc sẽ tăng 94 triệu. Trong cùng kỳ, chỉ có 46 triệu việc làm văn phòng có sẵn trong nước, vì vậy hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc sẽ phải làm việc chân tay.

Nhưng hiện nay, khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi chậm chạp, thị trường việc làm mong manh trong nước có nghĩa là cuộc cạnh tranh giành việc làm chân tay đang trở nên khốc liệt hơn.

Năm nay, kỷ lục 11,87 triệu học sinh Trung Quốc tốt nghiệp trung học. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao. Vào tháng 6 năm nay, 13,2% thanh niên không đi học trong độ tuổi từ 16 đến 24 không có việc làm; đối với những người trong độ tuổi từ 25 đến 29, con số này thậm chí còn cao hơn ở mức 14,9%.

Trong một cuộc phỏng vấn của Lianhe Zaobao, ông Deng Xize - giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tứ Xuyên - cho biết tỷ lệ tuyển sinh đại học đã tăng mạnh so với những năm 1990, tăng từ 610.000 suất vào năm 1990 lên 5,04 triệu vào năm 2005 và 10,14 triệu vào năm 2022.

Tuy nhiên, nguồn cung việc làm tốt không theo kịp, do đó, sinh viên tốt nghiệp đại học đang thu được lợi nhuận giảm dần cho khoản đầu tư của họ vào giáo dục và ngày càng nhiều người trong số họ chuyển sang làm công việc chân tay.

 Các sinh viên mới tốt nghiệp đại học đến một trung tâm dịch vụ nghề nghiệp địa phương để tìm kiếm việc làm tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: China Daily

Các sinh viên mới tốt nghiệp đại học đến một trung tâm dịch vụ nghề nghiệp địa phương để tìm kiếm việc làm tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: China Daily

Giáo sư Deng cảm thấy rằng khi tiến bộ công nghệ tăng tốc, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có thể thay thế công việc lặp đi lặp lại, thị trường việc làm sẽ chỉ trở nên thách thức hơn trong thời gian tới.

Ông nói: “Dù chúng ta có thể cảm thấy thương hại cho những sinh viên tốt nghiệp đại học đang làm công việc giao đồ ăn hoặc chạy xe công nghệ hiện nay, nhưng thực ra, ngay cả những cơ hội như vậy cũng có thể trở nên khan hiếm trong tương lai”.

Sau khi bỏ nhiều công sức để lấy bằng cấp chỉ để phát hiện ra rằng giá trị thị trường của mình không cao như mong đợi, tình trạng mất giá bằng cấp học thuật ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây.

Nhưng giáo sư Deng giải thích rằng sự mất giá của các bằng cấp học thuật là một hiện tượng toàn cầu, và những người tốt nghiệp đại học ở các quốc gia phát triển đã sớm đảm nhận công việc lao động chân tay. Trên thực tế, ông cảm thấy rằng xét đến sự hội tụ của các yếu tố như tiến bộ công nghệ và hệ thống giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thì “sự sụp đổ” về giá trị của các bằng cấp học thuật là một mô tả phù hợp hơn là “sự mất giá”.

Đối với giáo sư Deng, thực tế khắc nghiệt là ngày càng khó khăn hơn trên toàn cầu để đảm bảo một công việc ổn định và thu nhập bình thường. Kết quả là, cả những người tìm việc có trình độ thấp và cao đều cảm thấy tuyệt vọng.

Những người có trình độ thấp hơn ít có động lực đầu tư vào giáo dục hơn, vì nó không còn mang lại sự cải thiện tương ứng về chất lượng cuộc sống. Ngược lại, những người có trình độ cao hơn thấy kỳ vọng của họ giảm đi vì thành tích học tập của họ dẫn đến lợi nhuận thấp hơn so với các thế hệ trước.

Xu hướng "tiến bộ" và sẽ tiếp tục tăng

Thất vọng vì thiếu cơ hội việc làm, sinh viên đại học Trung Quốc đã chuyển từ niềm tin ám ảnh vào trình độ học vấn sang coi trọng các kỹ năng thực tế. Sự thay đổi này cũng phản ánh sự mất kết nối giữa hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc và nhu cầu thực tế của thị trường việc làm.

 Một sinh viên làm shipper tại Nam Kinh. Trong quý 1 năm nay, số lượng thanh niên Trung Quốc dưới 25 tuổi nộp đơn xin làm việc chân tay đã tăng 165% so với cùng kỳ 2019. Ảnh: Caixin

Một sinh viên làm shipper tại Nam Kinh. Trong quý 1 năm nay, số lượng thanh niên Trung Quốc dưới 25 tuổi nộp đơn xin làm việc chân tay đã tăng 165% so với cùng kỳ 2019. Ảnh: Caixin

Trong một bài bình luận được đăng trên tờ Lianhe Zaobao, Liu Hongbin - giảng viên tại Khoa Kinh tế và Quản lý, Đại học Khoa học Kỹ thuật Chiết Giang và Yu Gui'e - giảng viên tại Khoa Kế toán, Đại học Công Thương Chiết Giang, đã nhấn mạnh rằng các cơ sở giáo dục đại học phải có được sự chấp thuận hành chính để xây dựng những ngành học cho sinh viên.

Yêu cầu này khiến các trường đại học khó có thể theo kịp nhu cầu của thị trường, dẫn đến sự mất kết nối giữa tài năng mà họ đào tạo và nhu cầu của thị trường việc làm.

Nhìn vào số liệu, nhu cầu về lao động chân tay đang tăng lên. Dựa trên số liệu từ Zhaopin, số lượng việc làm lao động chân tay đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2019.

Theo báo cáo nghiên cứu năm 2023 về tình hình việc làm của công nhân lao động chân tay tại Trung Quốc, thu nhập hàng tháng của công nhân lao động chân tay tăng 125% từ 2.684 lên 6.043 NDT (850 USD) từ năm 2012 đến năm 2023; trong cùng kỳ, lương của công nhân viên chức chỉ tăng 25% từ 6.439 lên 8.388 NDT (1200 USD).

Ông Wei Zhizhong - Cố vấn tâm lý trưởng tại Phòng tư vấn tâm lý Yiweiduxin (Quảng Châu), cho biết sở thích ngày càng tăng của thanh niên Trung Quốc đối với công việc chân tay thay vì dốc sức tham gia vào công chức, ở một mức độ nào đó, là sự quay trở lại với lý trí.

Ông Wei nhận thấy rằng tư duy truyền thống của người Trung Quốc thường coi lao động chân tay là thấp kém. Ông nói, “Những người trẻ kiếm sống bằng lao động chân tay, tự quản lý cuộc sống của mình theo cách họ thấy phù hợp và định nghĩa lại thành công theo cách của riêng họ — đây là sự tiến bộ”.

Tiến sĩ Yu Tao - phó giáo sư ngành Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tây Úc, cũng cho rằng xu hướng sinh viên mới tốt nghiệp tham gia các công việc chân tay ở Trung Quốc sẽ ngày càng tăng nhờ tư duy về công việc này đã thay đổi.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xu-huong-sinh-vien-trung-quoc-ngay-cang-chon-lao-dong-chan-tay-post309792.html