Xu hướng tái chế đồ cũ thu hút giới trẻ trong mùa dịch

Tái chế đồ cũ hiện nay đang là một trong những xu hướng hàng đầu được giới trẻ quan tâm. Các ý tưởng tái chế độc đáo giúp tái sử dụng các sản phẩm cần thiết, tiết kiệm được tài chính từ việc giảm chi tiêu mua sắm, bảo vệ môi trường.

Tạo nên những sản phẩm có ích từ chai thủy tinh

Chai thủy tinh là những sản phẩm mất tới một triệu năm để phân hủy. Thực tế, mảnh vụn thủy tinh không bị vi sinh vật phân hủy và có thể tồn tại gần như là vĩnh viễn nếu không bị thời tiết tác động. Tái sử dụng, tái chế lại các chai thủy tinh đã qua sử dụng là một cách hữu hiệu để giải quyết, xử lí vấn đề các chai lọ thủy tinh này.

Anh Hoàng Công (Nam Định) chia sẻ về những vật dụng bằng chai thủy tinh đã được tái chế để sử dụng trong gia đình, việc tái chế đồ đã được anh Công yêu thích từ những năm 2015. Theo anh Công, những chiếc chai thủy tinh có thể tái sử dụng thành các vật dụng cần thiết trong nhà, vừa tiết kiệm được một khoản chi phí, lại có thể giải trí trong mùa dịch này.

Những chiếc đèn bàn được anh Công làm nên từ chai rượu thủy tinh tái chế.

Anh Phạm Tuấn Vũ (Gia Lai) là chủ cửa hàng của một tiệm cà phê được bày trí hệ thống đèn bằng những rác thải tái chế. Anh Vũ chia sẻ: “Một chai nhựa 1000 năm, một chai thủy tinh thì cả triệu năm mới phân hủy được. Hãy tận dụng, đừng để nó ra bãi rác, làm gánh nặng cho mẹ thiên nhiên”.

Quán cà phê của anh Vũ được trang trí bằng những chiếc đèn tái chế.

Những sản phẩm đèn treo tại quán là do anh Vũ tự mò mẫm thiết kế bằng những chai, lọ thủy tinh đã sử dụng. Qua đó,anh Tuấn hy vọng mọi người sẽ thấy rác là một tài nguyên, là một thứ để tận dụng có thể khởi nghiệp, bởi điều này sẽ nhận được sự ủng hộ của cả cộng đồng.

Khởi nghiệp từ những đồ tái chế

Nói tới những đồ tái chế, nhiều người nghĩ đây là những vật dụng trưng bày, không có giá trị. Thế nhưng, rất nhiều người trẻ đã tạo nên những sản phẩm “hand made” từ những vật dụng cũ không còn giá trị, sau đó bán những sản phẩm này để kiếm thêm thu nhập cho bản thân.

Thời trang là lĩnh vực thứ hai đứng sau dầu mỏ về chỉ số gây ô nhiễm môi trường. Rác thải từ thời trang đã và đang tạo ra sức ép lớn đối với môi trường. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, đây còn là sự lãng phí tài nguyên một cách trầm trọng. Đứng trước điều này, tái chế thời trang là xu hướng được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng.

Tận dụng những chiếc quần jeans cũ đã bị bỏ đi, chị Bùi Thị Kim Ngân (Hà Nội) đã “biến hóa” những món đồ cũ này thành các vật dụng có giá trị.

Chị Ngân chia sẻ: “Mình làm công việc “Tái chế quần jeans” đến nay là năm thứ 9 rồi. Mới đầu mình làm cho vui vì yêu thích việc sáng tạo từ chất liệu jeans cũ chứ chưa bao giờ nghĩ đây sẽ trở thành nghề. Càng chưa từng nghĩ bản thân sẽ kinh doanh sản phẩm tái chế thủ công”.

“Với mình tái chế rất tuyệt. Dạo này mình rảnh hơn vì nghỉ dịch nên mình thường dựng các video ghi lại quá trình mình biến hình quần jeans cũ thành túi xách. Sau mỗi khi xem lại mình thấy rất vui, đó cũng là cách mình tạo cảm hứng sáng tạo và duy trì đam mê với tái chế/tái sử dụng”, chị Ngân nói.

Những chiếc túi được tái chế từ quần jeans cũ mà chị Ngân làm ra.

Với chị Ngân, tái chế không đơn thuần là làm một sản phẩm từ các món đồ cũ mà chị rất quan tâm tới tính thẩm mĩ, độ bền của sản phẩm. Theo chị, quá trình sản xuất nào cũng ảnh hưởng đến môi trường nên sản phẩm càng đẹp, vòng đời càng dài sẽ càng ít thải rác, ít ảnh hưởng đến môi trường. Tính từ khi bắt đầu kinh doanh tới nay, có hơn 700 chiếc túi đã được chị Ngân làm nên.

Tái chế đồ cũ là một trào lưu không mới, thế nhưng dạo gần đây, để giải tỏa những căng thẳng khi ở nhà chống dịch, những vật dụng cũ đã được rất nhiều người tận dụng để làm nên những đồ dùng có ích. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, xu hướng thiết kế từ các vật liệu tái chế đang được lan tỏa rộng rãi, nhất là ở giới trẻ.

Bài và ảnh: Lê Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xu-huong-tai-che-do-cu-thu-hut-gioi-tre-trong-mua-dich-post189232.html