Xu hướng thay đổi trong lĩnh vực Kế toán, kiểm toán
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi điều kiện và môi trường làm việc của ngành Kế toán, kiểm toán. Đặc biệt, cuộc Cách mạng này đòi hỏi nhân lực ngành Kế toán, kiểm toán phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tốt và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và toàn cầu hóa.
Thách thức đặt ra
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với mạng internet giúp người lao động trong ngành Kế toán, kiểm toán có cơ hội tiếp cận được nhiều kiến thức mới, những cơ hội việc làm tại nhiều nước trên thế giới… Tuy nhiên, cũng giống như các ngành nghề khác, lĩnh vực Kế toán, kiểm toán đang đứng trước những thách thức lớn do cuộc CMCN 4.0 mang lại.
Thứ nhất, thách thức trong áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) (gồm 26 chuẩn mực) mặc dù đã được xây dựng theo các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS) và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế cũng như tình hình doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhưng giữa VAS và IAS/IFRS hiện nay vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 hệ thống này thể hiện ở nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính lập theo IFRS được đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu nhưng lập theo VAS lại ghi là theo giá gốc. Điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của DN chưa phản ánh đúng như diễn biến thực tế của thị trường…
Thứ hai, sự thiếu hụt lao động chất lượng cao
Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam tuy đã sẵn sàng hội nhập kinh tế nhưng số lượng và chất lượng mang tầm quốc tế vẫn là vấn đề cần cải thiện. Tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 4 nghìn kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề (chiếm 2% trong tổng số 196 nghìn kế toán viên, kiểm toán viên toàn khu vực ASEAN.
Thực tế cho thấy, đội ngũ người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam không chỉ ít về số lượng, mà còn kém về chất lượng. Thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho thấy, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, kiểm toán chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh.
Thứ ba, các kỹ năng mềm của người lao động còn yếu.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, các lao động đã qua đào tạo của Việt Nam mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu… nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm (như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ…), tính tuân thủ kỷ luật chưa nghiêm...
Thứ tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật còn hạn chế.
Tại Việt Nam, công tác kế toán, kiểm toán hiện nay chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ trong khi CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Do vậy, về lâu dài nếu kế toán viên, kiểm toán viên không am hiểu về công nghệ, sẽ khó khăn trong thực hiện các phần hành công việc.
Nâng cao năng lực kế toán viên, kiểm toán viên đáp ứng yêu cầu mới
Để nhân lực ngành Kế toán, kiểm toán nâng cao trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng tốt và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và toàn cầu hóa, về phía cơ quan quản lý, cần tập trung kiện toàn hành lang pháp lý. Theo đó, đến năm 2020, cần ban hành chuẩn mực VAS/VFRS theo hướng cập nhật và tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2025, áp dụng IFRS theo các cấp độ để giúp kế toán, kiểm toán Việt Nam mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính.
Bên cạnh đó, cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán. Đồng thời, cần có các quy định để hỗ trợ DN trong các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cũng như xây dựng các hướng dẫn; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán...
Về phía các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, cần áp dụng đúng chính sách, chế độ quy định của Nhà nước; Đồng thời, đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập; Tăng cường công tác đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ số theo nhu cầu thị trường…
Về phía các cơ sở đào tạo, cần có những thay đổi trong quan điểm đào tạo, đào tạo xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của thời đại công nghệ số. Chương trình đào tạo được xây dựng phải đảm bảo yêu cầu hội nhập và giao thoa về chất lượng với chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; Phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số; Thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các DN trong và ngoài nước....
Về phía kế toán và kiểm toán viên, ngôn ngữ quốc tế là phương tiện không thể thiếu đối với mỗi kế toán, kiểm toán viên. Cơ hội sẽ ngày càng mở rộng cho những đội ngũ kế toán – kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới… Các chứng chỉ hành nghề như ACCA, CMA, CIA có thể giúp kế toán – kiểm toán viênViệt Nam mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.