Xu hướng 'tiết kiệm phục thù' của giới trẻ xứ Trung tạo ra tranh luận sôi nổi

Nhiều người ngỡ ngàng trước xu hướng 'đi ngược thế giới' của giới trẻ Trung Quốc khi ngày càng có nhiều bạn bạn trẻ lựa chọn phong cách chi tiêu siêu chắt chiu.

Được thảo luận nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc dạo gần đây, xu hướng "revenge saving" (tạm dịch: tiết kiệm phục thù) bỗng trở thành lối sống mới được không ít người trẻ xứ tỷ dân hưởng ứng. Theo đó, giới trẻ nước này đặt ra mục tiêu tiết kiệm "mạnh tay nhất có thể", chi tiêu ở mức tối thiểu. Xu hướng này hoàn toàn trái ngược với trào lưu "revenge shopping" (tạm dịch: mua sắm phục thù) hay "revenge spending" (tạm dịch: chi tiêu phục thù) là hai khái niệm được truyền thông quốc tế nhắc đến nhiều sau đại dịch COVID-19.

Sự chi tiêu chặt chẽ của giới trẻ Trung Quốc đã làm phát sinh một xu hướng mới mang tên "tiết kiệm phục thù". Ảnh: Internet

Sự chi tiêu chặt chẽ của giới trẻ Trung Quốc đã làm phát sinh một xu hướng mới mang tên "tiết kiệm phục thù". Ảnh: Internet

Thay vì mua sắm thoải mái để "bù" cho khoảng thời gian dài không chi tiêu trong giai đoạn giãn cách xã hội, Gen Z xứ Trung lựa chọn "thắt lưng buộc bụng" như là châm ngôn sống mới.

Trên mạng xã hội Xiaohongshu, tài khoản Little Zhai Zhai của một cô gái 26 tuổi chia sẻ về phương pháp hạn chế chi tiêu. Cô cho biết mỗi tháng chỉ tiêu xài ở mức 300 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng), cô còn cắt giảm chi phí bữa ăn hằng ngày xuống chỉ còn 10 nhân dân tệ (35.000 đồng).

Nhiều bạn trẻ còn "đăng tin" tìm kiếm "đối tác" để cùng thực hiện những mục tiêu tiết kiệm, tạo nên cộng đồng "tiết kiệm bù" giàu động lực và hoạt động hiệu quả. Một trong những cách tiết kiệm được các bạn trẻ thực hiện là lựa chọn ăn uống tại căng-tin cộng đồng dành cho người cao tuổi, nơi các món ăn tươi ngon được bán với giá tương đối rẻ.

Các bạn trẻ Trung Quốc cũng không ngại sử dụng những món đồ "qua tay" thay vì phải mua một món đồ mới với giá cao hơn. Ảnh: Internet

Các bạn trẻ Trung Quốc cũng không ngại sử dụng những món đồ "qua tay" thay vì phải mua một món đồ mới với giá cao hơn. Ảnh: Internet

Theo báo cáo Chỉ số thịnh vượng của công ty Intuit, thay vì cắt giảm chi phí để tăng tiền tiết kiệm, 73% những người thuộc thế hệ Z ở Mỹ cho biết, họ thà có chất lượng cuộc sống tốt hơn là có thêm tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Trong khi đó, giới trẻ Trung Quốc lại đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu, tích cực "săn" mã giảm giá và các đợt sưu đãi khi mua sắm nhằm siết chặt hầu bao.

Trên diễn đàn trực tuyến Reddit, nhiều tài khoản cho biết họ ủng hộ "chiến lược" mới này của giới trẻ Trung Quốc. Một tài khoản cho biết anh thật sự thích khái niệm tiết kiệm mới này. Dù sở hữu mức lương tốt nhưng anh sẵn sàng từ chối mua một chiếc xe, một bộ quần áo hoặc bất cứ thứ gì nếu cảm thấy không thật sự cần thiết.

Nhiều tài khoản cho biết họ ủng hộ "chiến lược" mới này của giới trẻ Trung Quốc.

Nhiều tài khoản cho biết họ ủng hộ "chiến lược" mới này của giới trẻ Trung Quốc.

Một tài khoản khác cho biết: "Tôi có ba đứa con ở độ tuổi Gen Z, dù đã trưởng thành nhưng chúng chưa bao giờ bận tâm đến việc "đầu tư" cho phong cách sống. Chúng chấp nhận mua và lái những chiếc xe đã qua sử dụng. Sẵn sàng mua đồ "lỗi mốt" ít nhất mười năm. Không phải vì muốn "tiết kiệm phục thù" hay từ chối chủ nghĩa tiêu dùng, mà là vì chúng đủ nhận thức để không bị quảng cáo lôi kéo, chi tiền cho những thứ mà chúng thực sự không muốn."

Văn Tùng (tổng hợp)

Theo CNBC

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/xu-huong-tiet-kiem-phuc-thu-cua-gioi-tre-xu-trung-tao-ra-tranh-luan-soi-noi-post1651743.tpo