Xu hướng tội phạm tài chính mới trong đại dịch Covid-19
Trong một báo cáo vừa công bố, Mạng lưới Chống tội phạm tài chính trực thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, thì tham nhũng, rửa tiền, tội phạm mạng, lừa đảo và giao dịch nội gián... tiếp tục là xu hướng tội phạm tài chính nhắm đến.
Cách thức hoạt động mới của tội phạm tài chính
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, Chính phủ các nước đang tăng cường nỗ lực ban hành các biện pháp khác nhau để hỗ trợ hệ thống y tế công, bảo vệ nền kinh tế và bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, các biện pháp này đã phần nào tác động đến khả năng tiến hành kiểm tra và báo cáo các giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tài chính toàn cầu.
Theo FATF, các quốc gia cần thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhằm phòng, chống tội phạm tài chính, rửa tiền và không nên bỏ qua các rủi ro liên quan đến tham nhũng. Các tổ chức tài chính và cơ quan giám sát cũng cần để mắt nhiều hơn nữa tới phương pháp tiếp cận rửa tiền "truyền thống", đặc biệt là sử dụng các công ty "vỏ bọc" và các đối tượng khách hàng hay khu vực pháp lý thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Việc nới lỏng nhiệm vụ báo cáo, gia hạn thời gian nộp báo cáo của các cơ quan, tổ chức, công ty cũng ảnh hưởng đến khả năng phát hiện sai phạm của các cơ quan có thẩm quyền, các nhà hoạt động xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng.
"Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy rằng, trong nhiều trường hợp, tài chính bất hợp pháp sẽ vẫn tiếp tục tuôn chảy", Cơ quan Ngân hàng châu Âu khuyến cáo.
Một thông cáo mới đây được xuất bản bởi Ngân hàng Thế giới cho hay, việc giải ngân các khoản viện trợ đã kích hoạt dòng tiền chảy vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Nắm bắt cơ hội này, các nhóm tội phạm đã nhanh chóng điều chỉnh phương thức, thủ đoạn hoạt động hoặc tham gia vào các hoạt động tội phạm mới để thực hiện các hành vi bất chính.
Theo Mạng lưới Chống tội phạm tài chính trực thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ, tham nhũng, rửa tiền, tội phạm mạng, lừa đảo và giao dịch nội gián tiếp tục là xu hướng mới tội phạm tài chính nhắm đến trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Những phân tích ban đầu của Tổ chức Cảnh sát châu Âu cho thấy, có sự gia tăng của tội phạm mạng, lừa đảo và buôn bán hàng giả. Các yếu tố góp phần tạo nên xu hướng tội phạm tài chính mới cụ thể như sau: Nhu cầu tăng cao đối với một số hàng hóa, thiết bị bảo hộ và dược phẩm; Giảm việc di chuyển và dòng người qua lại và nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU); Công dân duy trì việc ở trong nhà và làm việc từ xa, dựa vào các công nghệ kỹ thuật số; Việc hạn chế đi lại nơi công cộng khiến cho một số hoạt động của tội phạm bị hạn chế và chuyển sang hoạt động tại nhà hoặc trực tuyến; Việc gia tăng sự lo lắng và sợ hãi có thể tạo ra lỗ hổng để khai thác; Giảm nguồn cung của một số hàng hóa bất hợp pháp tại EU.
Điều chỉnh công tác phòng, chống rửa tiền, thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19
Trước tình hình này, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) khuyến khích các tổ chức tài chính nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại, bao gồm công nghệ cung cấp dịch vụ tài chính; đồng thời, tuân thủ các quy định pháp luật và giám sát của các tổ chức tài chính ở mức độ tối đa.
Theo khuyến nghị của FATF, các trung tâm tài chính toàn cầu cần tăng cường giám sát để bảo đảm sự bí mật về quyền sở hữu công ty, ngân hàng và các lĩnh vực khác. Theo FATF, các quốc gia cũng cần thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhằm phòng, chống tội phạm tài chính, rửa tiền và không nên bỏ qua các rủi ro liên quan đến tham nhũng. Các tổ chức tài chính và cơ quan giám sát cũng cần để mắt nhiều hơn nữa tới phương pháp tiếp cận rửa tiền "truyền thống", đặc biệt là sử dụng các công ty "vỏ bọc" và các đối tượng khách hàng hay khu vực pháp lý thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Cùng với đó, để ngăn chặn tội phạm thực hiện hành vi bất chính đối với các quỹ dành phục vụ dịch Covid-19, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã kêu gọi các cơ quan đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, G20 và các quốc gia khác đàm phán các gói cứu trợ khẩn cấp nhằm bảo đảm các quỹ được giải ngân nhanh và được quản lý một cách chặt chẽ, minh bạch.
Trong một động thái được cho là tích cực, mới đây Cố vấn An ninh nội địa và chống khủng bố của Nhà Trắng Thomas Bossert cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ đẩy mạnh hợp tác với Israel cũng như nhiều quốc gia khác để phát triển các phương thức mới giúp ngăn chặn hiệu quả nạn tấn công của tội phạm mạng…
Các quan chức tư pháp hàng đầu của Liên minh tình báo Five Eyes (gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand), Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã lên tiếng, yêu cầu các công ty công nghệ cài “cổng sau” vào các ứng dụng mã hóa cho phép các cơ quan thực thi pháp luật truy cập thông tin khi cần thiết nhằm kiểm soát tình trạng phạm tội trên mạng internet.
Trước đó, hồi tháng 8/2020, Cảnh sát Liên bang Australia thông báo triển khai trên phạm vi quốc tế lực lượng đặc nhiệm nhằm truy bắt các tội phạm mạng đang nhắm đến người dân Australia thông qua các hình thức tống tiền, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ cũng như âm mưu tấn công khủng bố. Lực lượng này có quyền bắt giữ những đối tượng khả nghi tại các nước châu Phi, châu Âu và Mỹ.