Xu hướng tự xuất bản trực tuyến là bước ngoặt lớn của manga, anime
Ngày càng có nhiều bộ manga và anime nổi tiếng sau khi tự xuất bản trực tuyến. Theo trang CBR, đây là một xu hướng tích cực cho xuất bản truyện tranh.
Một trong những xu hướng lớn nhất đối với thể loại anime, manga và light novel trong thập kỷ qua là sự nổi lên của tự xuất bản trực tuyến. Nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng gần đây đều nhờ vào việc được tự xuất bản trực tuyến trước khi được một nhà phân phối chính thống mua lại. Sau đó, nhà phân phối này sẽ phát hành các ấn bản cập nhật của tác phẩm gốc và có thể chuyển thể để xuất bản ở nhiều định dạng khác nhằm tiếp nối thành công ban đầu.
Theo CBR, đây là những tín hiệu tích cực và có thể dẫn đến một thời kỳ bùng nổ lớn cho toàn bộ ngành xuất bản manga, anime và light novel.
Tự xuất bản truyện tranh bắt nguồn từ đâu?
Nhật Bản từ lâu đã có truyền thống tự xuất bản, khởi đầu là các tác phẩm in (doujinshi) tự xuất bản sớm nhất từ trước những năm 1900. Tuy nhiên, các tác phẩm doujinshi hiện đại mới thực sự xuất hiện vào những năm 1970 và 1980, khi máy photocopy ngày càng phổ biến.
Và khi Internet phát triển mạnh mẽ, cộng đồng doujinshi dần chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên, do hạn chế về băng thông và thiếu nơi lưu trữ tốt, các tác phẩm này lại được chuyển về bản in để dễ dàng chia sẻ.
Xu hướng này dần thay đổi vào đầu những năm 2000 nhờ chi phí lưu trữ tệp trực tuyến giảm và tốc độ kết nối Internet ngày càng tăng. Vào thời gian này, một số trang web tập trung vào việc lưu trữ light novel và manga tự xuất bản đã được mở ra và dẫn đầu một xu hướng đang được tiếp tục cho đến ngày nay.
Ra mắt lần đầu vào năm 2004, Shosetsuka ni Naro là nền tảng tự xuất bản lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Nhiều bộ truyện từ trang này đã được các nhà phân phối lớn chọn mua, bao gồm The Rising of the Shield Hero (Sự trỗi dậy của Khiên hiệp sĩ), I Want to Eat Your Pancreas (Tớ muốn ăn tụy của bạn), The Misfit of Demon King Academy (Kẻ lạc loài ở học viện ma vương), Re:Zero - Getting Life in Another World (Bát đầu lại ở thế giới khác), The Apothecary Diaries (Nhật ký bào chế thuốc),….
Minh chứng cho khả năng của Shosetsuka ni Naro trong việc xuất bản những đầu truyện được người hâm mộ yêu thích là vào năm 2014, tập đoàn xuất bản Futabasha đã thành lập Monster Bunko, một nhà xuất bản chuyên mua lại và phát hành các tác phẩm nổi tiếng từ Shosetsuka ni Naro.
Một trong những đầu truyện tự xuất bản nổi tiếng khác là One Punch Man, khởi đầu được đăng tải trên nền tảng Nitosha. One Punch Man được đón nhận rất mạnh mẽ và đã được nhà xuất bản Shueisha mua và phát hành mở rộng. Lượng người hâm mộ cũng tăng lên khi bộ truyện được chuyển thể thành anime. Ngày nay, One Punch Man trở nên nổi tiếng đến mức nhân vật chính Saitama trở thành một trong những nhân vật dễ nhận biết nhất trên thế giới.
Ưu và nhược điểm của tự xuất bản
Ưu điểm lớn nhất của tự xuất bản trực tuyến là nó mở ra cơ hội cho nhiều nhà văn mới. Trở thành một nhà văn hoặc nhà biên kịch xuất bản chuyên nghiệp không phải dễ và để có được một chân vào công việc này thường đòi hỏi ai đó phải có tài chính ổn định hoặc có mối quan hệ trong ngành.
Còn với tự xuất bản trực tuyến, chi phí ban đầu tương đối thấp và các tác giả trẻ có thể chia sẻ ý tưởng của mình với cả thế giới. Việc tự xuất bản trực tuyến cũng mở ra cơ hội xây dựng và phát triển quan hệ giữa thế hệ tác giả trẻ, trong đó có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Điều này rất tốt cho ngành vì nhiều lĩnh vực sáng tạo đang phải vật lộn với sự đa dạng.
Sự xuất hiện của đa dạng các nhà văn cũng giúp cho nội dung tác phẩm trở nên phong phú hơn khi những người có quan điểm và cuộc sống khác nhau có thể kể những câu chuyện đại diện cho họ.
Một lợi thế lớn khác của việc tự xuất bản là cho phép thử nghiệm những điều mới. Vì hầu hết nền tảng tự xuất bản chỉ hoạt động trực tuyến nên người viết không phải tốn bất kỳ khoản tiền đầu tư nào. Do đó, họ có thể tự do sáng tạo, thử nghiệm nhiều hơn vì họ không cần phải lo lắng về việc thất bại. Nếu một câu chuyện không thu hút được khán giả thì họ có thể chuyển sang viết câu chuyện khác.
Tự xuất bản cũng là một xu hướng tốt cho những người đã có kinh nghiệm trong ngành. Nếu hoạt động tự xuất bản tiếp tục sôi động, những cây viết lão luyện có thể sử dụng nó như một con bài khi thương lượng mức lương. Lúc này, các công ty lớn sẽ phải làm nhiều điều hơn để giữ nhân tài và giữ tác phẩm.
Về phía các công ty, hoạt động tự xuất bản cũng giúp họ giảm thiểu rủi ro khi thử nghiệm ra mắt thể loại mới hay hỗ trợ một nhà văn mới. Họ có thể hỗ trợ các nhà văn ra mắt trên các nền tảng tự xuất bản và đợi thị trường kiểm nghiệm cả tác giả và tác phẩm trước khi quyết định phát hành trên diện rộng hay chuyển thể thành nhiều thể loại khác.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng tự xuất bản cũng có một số nhược điểm. Vấn đề lớn nhất là nhiều nhà văn tự xuất bản còn thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống khi tác phẩm của họ trở nên nổi tiếng. Do đó, khi làm việc với các công ty xuất bản lớn, họ không hiểu sự phức tạp của hợp đồng và giấy phép, và có thể không biết các tiêu chuẩn thanh toán trong ngành hoặc luật lao động mà họ phải tuân theo.
Ngoài ra, ngành xuất bản cũng cần lưu ý không coi các nhà văn tự xuất bản là con bài thương lượng để giảm lương của những tài năng đang làm việc hiện tại. Điều này sẽ làm gián đoạn sự sáng tạo và có thể dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng chất xám của ngành trong thế hệ hiện tại.