Xu hướng tuyển sinh đại học 2024: Mở rộng các ngành đào tạo, giảm xét tuyển bằng học bạ
Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2024, nhiều thông tin mới được các trường cập nhật cho thấy xu hướng mở rộng các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông tin và xu hướng thu hẹp phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT.
Nở rộ tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn
Trước dự báo về nhu cầu tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành vi mạch bán dẫn tăng cao trong thời gian tới, kỳ tuyển sinh năm 2024 cho thấy xu hướng gia tăng chỉ tiêu, mở ngành đào tạo lĩnh vực này tại nhiều trường ĐH trên cả nước.
Mới đây nhất, trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố sẽ mở thêm 6 ngành đào tạo mới năm 2024. Đáng chú ý, có tới 5/6 ngành mới này liên quan tới đào tạo kỹ thuật, vốn không phải là lĩnh vực đào tạo truyền thống của trường này.
Lý do để trường mở rộng sang những ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như góp phần nâng cao vị thế của trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Công tác xây dựng ngành mới đã được xác định phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học.
Theo đó, dự kiến năm 2024, trường ĐH Kinh tế quốc dân mở thêm các ngành: Khoa học dữ liệu (tuyển khoảng 100 chỉ tiêu), Kỹ thuật phần mềm (50 chỉ tiêu), Hệ thống thông tin (50 chỉ tiêu), Trí tuệ nhân tạo (100 chỉ tiêu), An toàn thông tin (50 chỉ tiêu), Quan hệ lao động (50 chỉ tiêu). Như vậy, tổng số ngành tuyển sinh năm 2024 của trường sẽ lên tới 66 ngành với 6.600 chỉ tiêu.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) vừa thông báo, từ năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Căn cứ để nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành này là dựa trên nền tảng sẵn có về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên chương trình ngành gần là vật lý kỹ thuật - điện tử.
Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng dự định tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn bậc thạc sĩ thạc sĩ trong năm nay.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới là khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới là khoảng 50.000 nhân lực từ trình độ ĐH trở lên.
Bỏ phương thức tuyển sinh xét học bạ phổ thông
Một trong số những trường chính thức bỏ hình thức xét tuyển kết hợp điểm học bạ phổ thông năm 2024 là trường ĐH Kinh tế quốc dân. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết, trường đã bỏ nhóm 5 xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Công tác tuyển sinh các năm cho thấy, thí sinh nhóm 5 có học lực rất giỏi và hầu hết đáp ứng các điều kiện khác như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… Tránh hiện tượng thí sinh ảo, nhà trường không tuyển theo điểm học bạ, để vừa giảm tỷ lệ ảo, vừa không gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có chủ trương mở rộng chỉ tiêu sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội (HSA), đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM (APT), đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA)… để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó, từ năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội đã ngừng áp dụng điều kiện học bạ đối với thí sinh xét tuyển theo điểm thi. Nhiều trường ĐH thuộc khối các trường ĐH y, dược cũng vẫn thống nhất không xét tuyển học bạ.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, cho rằng, trường ĐH sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh có thể gây nên nhiều vấn đề tiêu cực trong chấm điểm, cho điểm ở bậc THPT và hệ quả là khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh cũng như gây nên tình trạng thiếu công bằng trong xét tuyển.
Việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ được các chuyên gia tuyển sinh đánh giá là xu hướng tất yếu để tăng chất lượng đầu vào. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có những trường ĐH tốp đầu bỏ phương thức xét tuyển này.
Thí sinh xét tuyển ĐH năm 2024 vẫn có thể đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ quốc tế hoặc các điều kiện khác với điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường ĐH.