Xu hướng ứng dụng nền tảng học thông minh vào chuyển đổi số trong giáo dục
Chuyển đổi số giáo dục đã, đang và chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho giáo viên, học sinh. Chính vì vậy, hiện nay trên thế giới, cũng như tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc đã ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, học tập để nâng cao chuyển đổi số giáo dục.
Yêu cầu cấp thiết chuyển đổi số trong giáo dục
Việc chuyển đổi số trong giáo dục là một vấn đề mà các quốc gia phát triển luôn dành nhiều nguồn lực từ những năm 90 của thế kỉ trước.
Ở New York, từ những năm 1990, công nghệ trong lớp học đã được quan tâm, và các chương trình thông minh trường học nhấn mạnh vai trò tích hợp công nghệ vào lớp học. Năm 1997, Malaysia lần đầu tiên thực hiện dự án giáo dục thông minh, trong đó có kế hoạch xây dựng THTM, được hỗ trợ bởi chính phủ để chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng những thách thức của thế kỉ XXI. Singapore triển khai Kế hoạch tổng thể của quốc gia thông minh từ năm 2006, xác định giáo dục thông minh là phần quan trọng để đạt mục tiêu quốc gia. Hàn Quốc có dự án giáo dục SMART với nhiệm vụ là cải cách hệ thống giáo dục và cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục (Choi & Lee, 2012). Ở Australia, thông qua hợp tác với IBM (2012), một hệ thống giáo dục thông minh được thiết kế cho phép mối liên hệ đa chiều cho người học và giữa các trường học....
Cho đến nay, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Australia đã trở thành những quốc gia tiên phong trong việc áp dụng nền giáo dục số. Từ khi công nghệ số bắt đầu được sử dụng trong giáo dục, Hoa Kỳ đã nhanh chóng áp dụng và phát triển các nền tảng giáo dục trực tuyến như Blackboard hay Moodle. Hiện nay, hầu hết các trường đại học và cao đẳng tại ba quốc gia này đều sử dụng các nền tảng giáo dục trực tuyến để cung cấp cho học sinh những khóa học trực tuyến và hỗ trợ cho việc học tập.
Hay trường Hale School, trường Nam sinh ở Perth, Australia cũng là một ví dụ tiêu biểu của việc công nghệ có thể được sử dụng để nâng cao hiệu quả học tập. Học sinh có thể sử dụng các công cụ cộng tác như Microsoft OneNote và Office 365 để làm bài tập và các dự án, và giáo viên có thể nhận xét đồng thời điểm trên bài tập.
Tại các quốc gia đang phát triển, công nghệ hứa hẹn sẽ đưa lại những kết quả học tập tốt hơn kèm theo chi phí được giảm thiểu cho cả giáo viên và học sinh. Các trường học công lập tại Brazil và Ấn Độ đứng đầu trong bảng xếp hạng sử dụng nền tảng học tập Khan Academy trong lớp học và livestream từ xa các bài học trên các nền tảng số. Họ nhận ra rằng nền tảng trực tuyến này có thể tiếp cận và gia tăng chỉ số cảm xúc với các môn Toán tới tất cả trẻ em trong trường và khu vực lân cận với chi phí học tập là 0 đồng. Thông qua việc dạy học sinh các kỹ năng công nghệ, truyền thông và cộng tác, học sinh cũng được đào tạo về kỹ năng để đáp ứng tốt thị trường lao động thay đổi nhanh chóng.
Ứng dụng nền tảng thông minh vào trong giảng dạy và học tập trở thành xu hướng
Giáo dục và Đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, trong đó chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo là quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục.
Ở Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số được đề cập nhiều bắt đầu từ năm 2018. Dù xuất phát chậm hơn so với thế giới nhưng Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi số trong giáo dục bằng hàng loạt các chính sách đã được ban hành thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cụm từ "chuyển đổi số" giờ đây không còn xa lạ với học sinh và giáo viên ở các địa phương, bởi hiện nay nhà trường đã làm chủ việc áp dụng công nghệ vào học tập và giảng dạy, như tổ chức kiểm tra, thi trực tuyến, soạn giảng trên phần mềm, ký giáo án điện tử… Đồng thời, nhà trường cũng đẩy mạnh xây dựng phòng học thông minh với các thiết bị dạy học hiện đại, như bảng tương tác, máy chiếu, mạng Internet, hệ thống thiết bị dạy học hiện đại…
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội xác định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục và chất lượng giáo dục.
Chính vì thế trong công cuộc chuyển đổi số giáo dục, bên cạnh trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, các nhà trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội còn chú trọng đầu tư và tìm hiểu về các phần mềm giảng dạy, các nền tảng học tập trực tuyến, kho học liệu mở, giúp giáo viên có thể khai thác được tài nguyên dạy học đa dạng về âm thanh, hình ảnh, video, giúp môn học sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, tạo hứng thú trong học tập. Trong đó, việc ứng dụng Khan Academy vào dạy và học được triển khai tại nhiều huyện như Mê Linh, Ba Vì, Mỹ Đức…
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai – Giáo viên Lớp 3C trường Tiểu học Quang Minh A, Mê Linh, Hà Nội chia sẻ: “Nền tảng Khan Academy là một công cụ vô cùng hữu ích giúp cô có thể giao bài cho học sinh và học sinh cũng dễ dàng thực hành các bài tập trên nền tảng chỉ với 15 phút mỗi ngày, từ đó thầy cô giáo có thể nắm được nhận thức và quá trình rèn luyện học tập của mỗi học sinh.”
Đánh giá cao vai trò của công nghệ thông tin trong đổi mới và phát triển giáo dục, ông Nguyễn Danh Cường – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì – Hà Nội phát biểu trong buổi tập huấn sử dụng nền tảng Khan Academy: “Đối với chương trình học trên Khan Academy rất thuận lợi, trong đó có bộ môn Toán theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, đặc biệt hoàn toàn miễn phí, rất phù hợp với các nhà trường thuộc địa bàn Ba Vì đôn đốc học sinh nâng cao chất lượng giáo dục của huyện so với mặt bằng chung của Thành phố. Ngoài ra, nền tảng Khan Academy hỗ trợ phương pháp dạy và học LMS, thuận lợi cho việc học sinh học tập, giáo viên chủ động giao bài tập và chấm điểm chuyển đổi số, sẽ giúp huyện Ba Vì thu hẹp khoảng cách giáo dục của ngoại thành và nội thành. Chỉ cần 30 phút/1 tuần, học sinh sẽ phản ánh sự tiến bộ trong học tập.”
Trong báo cáo gần đây từ Tổ chức Khan Academy (trụ sở tại Silicon Valley, Hoa Kỳ) vừa ra công bố cho biết trong năm 2023, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới (ngoại trừ Hoa Kỳ) trong việc sử dụng nền tảng học trực tuyến miễn phí Khan Academy cho việc giảng dạy và học tập tại các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Khan Academy Vietnam (KAV) là Chương trình giáo dục phi lợi nhuận do tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) thực hiện, trong đó có chương trình mở rộng triển khai ứng dụng Khan Academy như một công cụ số đắc lực nhằm hỗ trợ các trường học ở Việt Nam thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt trong công tác giảng dạy và quản trị học tập.
Không chỉ riêng Hà Nội, hiện nền tảng Khan Academy còn được sử dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh thành, trong đó phải kể đến Thanh Hóa, Tuyên Quang, Yên Bái, Đồng Nai, Vĩnh Phúc…
Tại hội nghị tập huấn sử dụng Khan Academy, bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa chia sẻ: “Việc ứng dụng nền tảng Khan Academy vào trong chuyển đổi số là cấp thiết, đây là cơ hội để học sinh và giáo viên tại địa phương tiếp cận với môi trường học tập chuẩn quốc tế. Thêm vào đó, đây còn là một bước tiến quan trọng trong việc tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực và các tài nguyên. Đây cũng là một bước đi đáng khích lệ và thể hiện của sự đoàn kết tinh thần hợp tác giữa Sở GD&ĐT Thanh Hóa và các tổ chức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”.
Đồng quan điểm với bà Thanh, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Nhà trường đã triển khai dạy và học trên nền tảng giúp giáo viên và học sinh tận dụng được nguồn học liệu phong phú, hữu ích. Đồng thời giúp các em tiếp cận được với hình thức học tập mới, đội ngũ giáo viên tiếp cận được hình thức đánh giá học tập mới, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của nhà trường”.
Xác định chuyển đổi số trong giáo dục là khâu đột phá trong xu thế hội nhập quốc tế, các Sở GD & ĐT tại nhiều địa phương đã tích cực nâng cao nhận thức chung từ các cán bộ quản lý các Phòng GD&ĐT cho đến người đứng đầu các trường và đội ngũ giáo viên, nhân viên; cụ thể hóa bằng cách ứng dụng các nền tảng thông minh vào giảng dạy, học tập nhằm từ việc rút ngắn thời gian gian soạn tài liệu, thời gian chấm chữa bài của giáo viên. Từ đó, giáo viên có thời gian hơn để tập trung sử dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiên cứu học liệu, sáng tạo các phương pháp giảng dạy mới, tạo ra động lực và hứng thú cho giáo viên, đồng thời giúp học sinh cải thiện kết quả học tập, thích ứng trong thời đại số.