Xử lý biệt thự tiền tỷ bị bỏ hoang: Của đau… nhưng ai xót?
Trên địa bàn Hà Nội, hiện có hàng loạt khu đô thị với hàng nghìn căn biệt thự bị bỏ hoang. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý.
Nhu cầu “ảo” mang tính đầu cơ
Vòng qua một lượt các KĐT như Dương Nội, Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội), hay chục biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn ở Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), có thể dễ dàng nhận thấy, đa phần đều còn tồn tại khá nhiều các căn biệt thự, nhà ở liền kề chỉ được xây thô, chưa hoàn thiện và bị bỏ hoang từ khá lâu. Theo thời gian, nền nhà đều trong tình cảnh bị sụt lún, cỏ mọc um tùm, rêu mốc bao phủ, rác thải tập kết bừa bãi… rất lãng phí và mất mỹ quan.
Lý giải cho hiện tượng này, một số chuyên gia BĐS cho rằng, đây là hệ quả của một thời gian dài thị trường BĐS phát triển bùng nổ, người người, nhà nhà đầu tư BĐS. Các đại gia địa ốc đã quá kỳ vọng vào một nhu cầu “ảo” mang tính đầu cơ hơn là nhu cầu thực tế của người dân.
Theo chị Thanh - nhân viên một công ty bất động sản có trụ sở ngay trong dự án, phần lớn những lô đất ở đây đã được chủ đầu tư bán. Những năm trước toàn bộ dự án không có người ở. Khoảng hai năm trở lại đây lác đác có những hộ đến hoàn thiện nhà. Đến nay có khoảng trên 30 lô biệt thự có người ở, số còn lại vẫn để không. Cũng vì hạ tầng xuống cấp và sự bất lợi về giao thông do dự án nằm trên tuyến đường gom nội bộ, nhiều nhà đầu tư đã rao “bán tháo” nhiều lô đất với giá khá rẻ, khoảng 15 triệu đồng/m2.
Vậy làm sao để giải quyết và xóa dần tình trạng hoang hóa biệt thự, nhà ở liền kề luôn là bài toán nan giải, đầy thách thức cho các nhà đầu tư và chính quyền trong nhiều năm qua. Nhiều chủ đầu tư đã tự cứu mình với ý tưởng cho thuê lại các căn biệt thự, nhà liền kề xây thô với giá rẻ (làm nhà hàng bia hơi, sửa xe, làm biển quảng cáo, đại lý đá ốp lát, sàn gỗ…) để vớt vát lại phần nào vốn bỏ ra và để tránh tình trạng xuống cấp của ngôi nhà. Phần lớn các biệt thự cho thuê này ở trong trạng thái xây thô, tường không trát, tầng 1 được cải tạo một cách qua loa, để mấy bộ bàn ghế, căng bạt và treo biển hiệu chằng chịt với đủ loại kích cỡ, màu sắc.
Việc cho thuê các biệt thự, nhà ở bỏ hoang được nhiều người đánh giá là giải pháp hợp lý nhất để tránh hoang hóa, đặc biệt là ngay lúc này, khi mà thị trường BĐS mới chỉ có dấu hiệu phục hồi tích cực bước đầu, trong đó riêng giao dịch phân khúc biệt thự lại đang dậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Nhiều ý kiến cho rằng, mặt tích cực đã được thể hiện rõ (chủ nhà vừa có tiền, vừa có người trông nom giúp. Người thuê được nhà giá rẻ, không mất nhiều công đầu tư…), nhưng mặt trái của vấn đề nằm ở chỗ, liệu đây có phải là tiền đề để chủ đầu tư các căn nhà bỏ không này đua nhau cho thuê mà chẳng cần quan tâm đến việc hoàn thiện, vô hình trung góp phần tạo ra hình ảnh những KĐT hiện đại xen kẽ sự lộn xộn, nhếch nhác bởi “chiếc áo khoác kiến trúc” tạm bợ hay không?
Chú trọng lợi ích cộng đồng
Bình luận về tình trạng này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội phân tích, mối tương đồng giữa sản phẩm đầu ra (các loại hình nhà ở, khu đô thị) và nhu cầu của xã hội chưa đồng nhất. Ngày trước, các chủ đầu tư làm phân khúc này chủ yếu tập trung vào sản phẩm nhà ở, không chú trọng đến việc hạ tầng, tiện ích sống,…
Hiện nay, nhiều khu đô thị mới mọc lên với đầy đủ tiện ích, không gian xanh khiến cho giao dịch mua bán tốt hơn các khu đô thị cũ. Có xử lý triệt để được tình trạng bỏ hoang hay không vì thế là câu hỏi khó. Bởi, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, không cấm việc sở hữu nhiều nhà. Cũng không hạn chế việc kinh doanh BĐS. Vừa qua, có đề xuất đánh thuế gia tăng đối với người sử dụng nhiều nhà trong Luật Đất đai hoặc kiểm tra hành nghề kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, khâu kiểm soát vẫn lỏng lẻo.
“Nhà nước cần nhìn nhận đến lợi ích chung của xã hội. Trong trường hợp không thu hồi, không chuyển đổi được tại các khu đô thị bỏ hoang thì ít nhất, thực hiện giải pháp cứng rắn, yêu cầu hoàn thiện mặt ngoài các công trình đó nhằm đóng góp vào cảnh quan các đô thị”, ông Nghiêm kiến nghị.
Tình trạng dự án, biệt thự bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí tiền của của xã hội, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự khi nhiều chủ đầu tư “bỏ mặc” hoàn toàn dự án, biến những căn biệt thự thành nơi trú ẩn của người vô gia cư, các đối tượng trộm cắp… Bên cạnh những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng trên, cơ quan quản lý cần thận trọng trong khâu cấp phép các dự án mới nhằm “điều tiết” thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công, tài sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Do đó, cần bổ sung vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp”.