Xử lý cán bộ gây khó dự án đầu tư công ở Bình Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế cán bộ, năng lực yếu kém gây trì trệ, nhũng nhiễu trong công tác quản lý đầu tư công.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các sở ngành, địa phương đẩy mạnh việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng, các dự án có tác động lan tỏa. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế cán bộ, năng lực yếu kém gây trì trệ, nhũng nhiễu trong công tác quản lý đầu tư công.
Chủ tịch Bình Dương cũng chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đề xuất cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Bình Dương sẽ xử lý những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện tỉnh Bình Dương đang triển khai xây dựng các dự án trọng điểm. Các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, dài gần 13 km, vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, khởi công từ tháng 4/2022. Đến nay, công trình đã thi công đạt 31% khối lượng, còn vướng giải phóng mặt bằng và di dời lưới điện.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km, tổng mức đầu tư khoảng 19.280 tỷ đồng. Dự án này, tiến độ cũng được cơ quan chức năng đánh giá chậm tiến độ so với kế hoạch.
Dự án xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2), tổng mức đầu tư 819 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ cuối tháng 12/2021 nhưng bị chậm tiến độ do việc bàn giao mặt bằng nhất là mặt bằng ở bờ Đồng Nai. Dự kiến cầu Bạch Đằng 2 hoàn thành trong năm 2024.
Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, có chiều dài 26 km với tổng mức đầu tư 1.646 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường này. Dự án này vướng khâu giải phóng mặt bằng ở một số đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương, có tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Trước đó dự án đã nhiều lần trễ hẹn ngày về đích do thiếu vật tư, chậm bàn giao mặt bằng.