Xử lý công trình trái phép trên vịnh Hạ Long: Vẫn dừng... trên văn bản
Dù thừa nhận là những công trình vi phạm trên vịnh Hạ Long đã có từ rất lâu, nhưng Ban Quản lý vịnh Hạ Long và chính quyền thành phố gần như bất lực.
Như Báo Đại Đoàn kết đã phản ánh trong bài viết “Những công trình vi phạm trên vịnh Hạ Long vẫn 'trơ gan cùng đá'”, hàng loạt công trình có dấu hiệu xây dựng từ rất lâu trên vùng đệm di sản, ngay gần đường bao biển Trần Quốc Nghiễn. Đó là những công trình dân sinh gồm cả nhà ở kiên cố hoặc những mái lều được dựng lên tạm bợ bên vách núi.
Ngoài việc xây dựng nhà ở, chủ các công trình này còn cho xây dựng kè đá, ụ bê tông, nhà chòi… để kinh doanh nhà hàng, xăng dầu, sơn và sửa chữa tàu thủy…
Tại vùng lõi, khu vực dễ tổn thương nhất của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nhiều công trình xây dựng trái phép cũng đã tồn tại từ rất lâu, nhưng đến nay không có động thái xử lý.
Cụ thể, tại Hòn Cỏ, Công ty CP Du thuyền Đông Dương đã tổ chức xây dựng bến cặp tàu dài hơn 100 m, với hàng trăm khối bê tông chìm và nổi trên mặt biển, nhằm độc chiếm đưa khách tham quan hang Cỏ.
Tại hòn Cây Chanh (khu vực hang Thầy), Công ty CP Du thuyền Đông Dương cũng cho xây dựng bến cặp tàu dài gần 200 m. Dù bị lực lượng chức năng lập biên bản, dừng thi công vì không có giấy phép xây dựng, nhưng sau đó 2 công trình này vẫn được hoàn thiện.
Tại buổi làm việc với PV Báo Đại Đoàn Kết vào ngày 8/8, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long thừa nhận, những công trình Báo Đại Đoàn Kết nêu là công trình trái phép. Tuy nhiên, đến nay UBND thành phố vẫn đang trong quá trình thực hiện theo đề nghị của Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
Cụ thể, đối với công trình bến cặp tàu hòn Cây Chanh, mặc dù ngay từ ngày 13/6/2018, UBND Thành phố đã ra quyết định cưỡng chế số 535, trong đó ghi rõ biện pháp cưỡng chế là “phá dỡ toàn bộ công trình kè xây dựng tại khu vực hòn Cây Chanh”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đối với công trình bến cặp tàu Hòn Cỏ, ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (vì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính) đối với Công ty CP Du thuyền Đông Dương.
Đối với các công trình dân sinh ở vụng Chương Me, đối diện cầu Bài Thơ, đây là công trình đã xuất hiện từ lâu. Từ năm 2017, UBND Thành phố cũng đã ra kiểm tra, lập hồ sơ.
“Tuy nhiên đến giờ UBND Thành phố cũng đang trong quá trình xử lý, tôi cũng không rõ là xử lý đến giai đoạn nào rồi và vướng ở đâu” - ông Huỳnh nói.
Tại công trình đối diện vụng Chương Me, nơi đã được xây dựng làm nhà hàng (đã đóng cửa từ khi xuất hiện dịch Covid-19), ông Huỳnh thông tin: “Đã có văn bản của UBND tỉnh đề nghị giao cho các cơ quan tham mưu để thu hồi dự án này. Hiện tại thành phố đã báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở cũng đang thụ lý hồ sơ để thu hồi dự án”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, một lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói: “Hành vi lấn chiếm đất, mặt nước, tự ý xây dựng công trình trái phép là trường hợp vi phạm nghiêm trọng tại nhiều khu vực trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Những vi phạm này kéo dài trong nhiều năm không được xử lý dứt điểm đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới công tác quản lý Di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Sau tất cả những tổn thương đã gây ra cho vịnh Hạ Long, chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc này. UBND TP Hạ Long và Ban Quản lý vịnh Hạ Long thay vì ngăn chặn từ đầu, đến nay cũng vẫn dừng lại ở việc xử lý trên văn bản.