Xử lý công trình xây dựng vi phạm tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì: Vì sao chưa xong?
Tại khu vực đồi Đống, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), trong số 27 biệt thự đã xây xong, có đến 6 căn vi phạm về đất đai do xây dựng trên đất lâm nghiệp.
Dù đã được thanh tra, kiểm tra và cơ quan chức năng có kết luận về những vi phạm từ lâu, nhưng đến nay vẫn còn 4/6 căn biệt thự chưa được phá dỡ, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự kiên quyết trong xử lý vi phạm?
Công trình vi phạm nhưng vẫn cho thuê
Trên đồi Đống (thôn Đa Cuống, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) nhìn từ xa đã rõ những căn biệt thự thấp thoáng. Các công trình nằm trong khuôn viên có tên “Bella resort”. Đầu tháng 5-2024, có mặt tại một trong những căn biệt thự thuộc diện phải phá dỡ do xây dựng trên đất rừng, phóng viên Báo Hànôịmới được quản gia dẫn đi từng phòng giới thiệu. Theo đó, biệt thự gồm 4 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp với đầy đủ đồ dùng, tiện nghi. Bên ngoài, biệt thự có sân vườn, bể bơi, nơi làm đồ nướng ngoài trời...
Là quả đồi thoai thoải, địa hình đẹp, hướng nhìn ra hồ nước rộng nên đất ở đồi Đống được người dân nhiều nơi tìm về mua, xây biệt thự nghỉ dưỡng. Từ khoảng năm 2008, hoạt động xây dựng diễn ra rầm rộ, đồi bị san gạt, xẻ làm đường, kè và mọc lên hơn 20 biệt thự. Mỗi công trình có diện tích từ hơn 100m2 đến khoảng 600m2, chủ các biệt thự không phải người dân địa phương. Hiện nay, ngoài 6 biệt thự xây dựng trên đất rừng còn có 21 biệt thự khác được xây dựng, một số căn đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, một số căn vẫn để thô. Theo người dân khu vực, mỗi biệt thự có giá bán trên 15 tỷ đồng...
Sau một thời gian dài hoàn thiện hồ sơ, tháng 5-2023, 2 biệt thự xây trên đất rừng đã bị lực lượng chức năng huyện Ba Vì cưỡng chế phá dỡ do chủ công trình không tự khắc phục hậu quả. Theo kế hoạch, việc phá dỡ 4 biệt thự còn lại sẽ được tiến hành ngay sau đó, nhưng đến nay, đã một năm trôi qua, 4 biệt thự không những không bị phá dỡ, ngược lại, chủ nhà vẫn đang sử dụng để cho thuê vào hoạt động nghỉ dưỡng.
Tiếp xúc với phóng viên, một số người dân thôn Đa Cuống nghi ngờ, cơ quan chức năng chỉ xử lý vi phạm theo kiểu đối phó, nửa vời bởi đã hơn 1 năm trôi qua từ thời điểm cưỡng chế năm 2023, hiện các công trình vẫn “án binh bất động”, thậm chí còn cho thuê để có thêm nguồn thu từ hoạt động cho thuê nghỉ dưỡng?
Hồ sơ đang được hoàn thiện
Về các công trình vi phạm, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Chu Mạnh Huy cho biết: Đồi Đống là khu vực có cả đất thổ cư và đất rừng. Cách đây hơn 10 năm, các công trình đã được xây dựng với lối kiến trúc như biệt thự nghỉ dưỡng. Do có dấu hiệu bất thường, khoảng năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã vào cuộc thanh, kiểm tra và kết luận, trong số nhiều biệt thự đã, đang xây dựng, có 6 công trình xây trên đất rừng, buộc phải xử lý. Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhiều tập thể, cá nhân là cán bộ huyện Ba Vì đã bị kỷ luật vì buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng...
Thừa nhận còn 4 biệt thự chưa được phá dỡ, ông Chu Mạnh Huy thông tin, hầu hết các biệt thự này không phải là của người địa phương nên việc thiết lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chủ các công trình không hợp tác với cơ quan chức năng nên cũng phát sinh những trở ngại nhất định. Hiện tại, các phòng, ban chức năng của huyện Ba Vì đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Không có chuyện huyện xử lý nửa vời công trình vi phạm...
Giải thích thêm, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì Lê Mạnh Hùng khẳng định, 6 công trình xây dựng trên đất rừng là của 3 chủ sở hữu khác nhau, không phải của người dân xã Vân Hòa. Lúc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hộ không thông qua chính quyền địa phương nên không biết đó là đất rừng. Thời điểm năm 2013, hồ sơ xây dựng các công trình này do 2 cá nhân đứng tên, nhưng sau đó họ đã chuyển nhượng công trình cho người khác nên người đang sử dụng 4 biệt thự hiện nay không phải là người vi phạm.
Thực hiện quy trình xử lý, cả 4 công trình đều đã có quyết định khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế phá dỡ từ năm 2022. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát hồ sơ đã phát hiện còn thiếu thủ tục chưa xác định nội dung “thu lời bất hợp pháp” đối với người vi phạm. Do vậy, việc thiết lập hồ sơ phải tiếp tục điều chỉnh, nhiều thủ tục phải thực hiện lại từ đầu nên thời gian xử lý vi phạm bị kéo dài. “Hiện tại, các phòng, ban của huyện Ba Vì được giao nhiệm vụ vẫn đang hoàn thiện hồ sơ. Quan điểm của UBND huyện Ba Vì là sẽ tiến hành xử lý vi phạm trong thời gian sớm nhất”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nguyên nhân dẫn đến việc chậm xử lý vi phạm đã rõ. Đề nghị UBND huyện Ba Vì đẩy nhanh quá trình xử lý các công trình vi phạm tại thôn Đa Cuống, xã Vân Hòa để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật.