Xử lý dứt điểm ô nhiễm tiếng ồn karaoke trong năm 2021
Sáng 9/3, trong cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện nghe báo cáo đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TPHCM, Phó chủ tịch TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP HCM sẽ mở đợt cao điểm về xử lý vấn đề tiếng ồn.
Chỉ xử phạt 200.000 đồng/vụ nên ô nhiễm tiếng ồn
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke rất được xã hội quan tâm. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng phải kiên quyết dẹp vấn nạn này. Trong đó cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, mọi nhà, mọi người chứ không chỉ làm theo phong trào rồi đâu lại vào đó.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, tiếng ồn phân thành 4 nhóm đối tượng: từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như quán bar, vũ trường, beer club; quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn; hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật…; các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo, địa điểm sinh hoạt công cộng…
“Tiếng ồn từ loa của quán nhậu vỉa hè và hộ gia đình đang được dư luận quan tâm nhiều nhất, cụ thể là tiếng ồn từ loa kéo karaoke” - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ thông tin.
Bà Mỹ cũng cho biết, trong 2 năm 2019 và 2020, 17/22 quận, huyện đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm hành chính về tiếng ồn với số tiền gần 820 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 141 trường hợp vi phạm, chỉ có 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng.
Khó khăn trong việc xử lý là quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay (QCVN 26:2010/BTNMT) không quy định đo độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử lý của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục; chưa có quy định tần số ồn.
Việc hát karaoke bằng loa kéo xảy ra trong khu dân cư và thường kéo dài sau 22 giờ. Trong khi đó mức xử phạt theo NĐ 167/2013/NĐ-CP còn thấp, chưa có tính răn đe; còn xử phạt theo NĐ 155/2016/NĐ-CP đòi hỏi phải có kết quả đo đạc và kết quả này phải được đơn vị có chức năng thực hiện.
Nêu thực tiễn xử lý vi phạm về tiếng ồn, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 cho rằng, khó nhất là có được chứng cứ quả tang để xử lý. Ông Hiếu cho biết, "khi cảnh sát khu vực tới nhắc nhở là đa số các trường hợp ngưng ca hát, mở nhạc ồn ào. Vấn đề là cảnh sát khu vực có tới không, có biết để tới hay không và quy định có bắt buộc phải tới hay không. Vì thế, cần có qui định về trách nhiệm của cán bộ địa phương, cảnh sát khu vực trước phản ánh của người dân về vấn đề này".
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương nêu thực trạng khi lực lượng chức năng tới nơi gây ra tiếng ồn thì nơi đó e dè hơn và mọi việc lại như cũ khi cán bộ đi. Trong khi đó, mức xử phạt 200.000 đồng/vụ việc là chưa đủ sức răn đe. Bà Phương đề nghị có giải pháp đối với các hoạt động gây tiếng ồn lưu động, "mở loa chạy loanh quanh hết nơi này đến nơi nọ".
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM nêu ra 2 giải pháp về tuyên truyền, vận động (giai đoạn 1) và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm (giai đoạn 2). Trong đó, ngành công an tăng cường kiểm tra, xử lý các quán nhậu, quán ăn có sử dụng loa để phát nhạc gây ồn, bị người dân phản ánh; có sử dụng loa kéo để hát karaoke.
Bên cạnh việc kiểm tra tiếng ồn, còn kiểm tra việc chấp hành quy định trong các lĩnh vực khác như giao thông (giữ xe, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường, hành vi lạm dụng rượu bia của người tham gia giao thông), đăng ký kinh doanh, PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm… để phát huy hiệu quả ngăn ngừa vi phạm.
Đồng quan điểm với các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn cần phải triển khai toàn diện và chia làm 2 giai đoạn. Việc quan trọng đầu tiên TPHCM làm là vận động người dân, doanh nghiệp hiểu và cam kết không gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh, thực hiện từ nay đến ngày 23/5 (giai đoạn 1).
Từ sau ngày 23/5 (giai đoạn 2), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính thật nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn. Ông Võ Văn Hoan lưu ý, các địa phương nói không có máy đo để xác định cường độ âm thanh, cho rằng không có máy đo nên không thể xử lý được là "bao biện".
Ông Hoan nhấn mạnh mục tiêu là xử lý triệt để và kết thúc trong năm nay, không để xảy ra việc nhức nhối ồn ào về tiếng ồn. Sau cao điểm, TP HCM sơ kết, đánh giá và tiếp tục làm, công việc này trở thành việc thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo quận, huyện, phường, xã chủ động kiểm tra, xử lý. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM lập tổ công tác, chọn điểm đi kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện bất kỳ cơ sở nào có vi phạm thì Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời Phó Chủ tịch TP yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM – sở quản lý trực tiếp tổng đài 1022 – hàng ngày có báo cáo với UBND TP HCM về tình hình tiếp nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn và kết quả xử lý của các địa phương, nêu rõ địa phương nào xử lý, địa phương nào không.