Xử lý dứt điểm tình trạng thua lỗ ở Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1

Sau khi cổ phần hóa (CPH) vào năm 2007, Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục (TBGD) 1 đã không tạo được 'bước ngoặt' để vươn lên, mà trái lại, sau gần sáu năm CPH, công ty vẫn ở tình trạng thua lỗ triền miên. Với nhiều người lao động tại công ty, kết quả họ nhận được trái ngược hẳn những gì mong đợi. Và, một điều thật khó tin, sau chừng ấy thời gian, nhưng quá trình bàn giao tài sản nhà nước về công ty vẫn... chưa xong. Có thể nói, đây là sự việc hy hữu trong suốt quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước ở nước ta từ trước đến nay.

Triền miên thua lỗ

Nguyên do của thực trạng này rất đơn giản, bởi trong quá trình CPH trước đó, Ban chỉ đạo CPH của Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã bỏ qua khâu quan trọng là thẩm định giá trị doanh nghiệp. Ai cũng biết, một khi giá trị doanh nghiệp không được xác định thì việc bàn giao vốn nhà nước về công ty cổ phần chẳng khác nào đánh đố công ty. Hệ quả tất yếu của sự việc này là sau CPH, do không đủ điều kiện kinh doanh cho nên công ty đã chìm đắm trong thua lỗ. Do không xác định được giá trị phần vốn nhà nước, cho nên việc bàn giao vốn là điều không thể. Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Hải cho biết, theo quy định của Nhà nước, khi chuyển đổi sang công ty cổ phần, công ty nhà nước được bù trừ công nợ, lỗ,... bằng nguồn thu chênh lệch do bán cổ phần, nếu thiếu sẽ bù ngân sách để doanh nghiệp "sạch" về tài chính, ổn định về tổ chức. Tuy nhiên, quy định này đã không được vận dụng, số tiền chênh lệch do bán cổ phần hơn 40 tỷ đồng không được xử lý tài chính ngay cho công ty mà chuyển về Bộ Tài chính. Do xử lý thiếu linh hoạt, kịp thời, công ty đã phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, việc giải quyết công nợ, vướng mắc càng ngày càng phức tạp, bế tắc.

Câu hỏi được đặt ra, để xảy ra thua lỗ nặng nề như vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Rất nhiều cổ đông tư nhân của Công ty cổ phần TBGD 1 cho rằng, trách nhiệm chính ở đây thuộc về đại diện quản lý phần vốn nhà nước (chiếm 51%). Những lập luận này không phải không có cơ sở. Với những người theo dõi cặn kẽ từng bước đi sau CPH của Công ty cổ phần TBGD 1, có thể chia quãng thời gian đó thành hai giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài khoảng bốn năm, bắt đầu từ khi doanh nghiệp này chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần (năm 2007) cho đến trước thời điểm chuyển giao đại diện quản lý vốn nhà nước về Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục vào tháng 4-2011. Trong bốn năm này, công ty vướng phải tình trạng thua lỗ trầm trọng, những kiến nghị, đề xuất nhằm xử lý dứt điểm các vướng mắc lên Bộ Giáo dục và Ðào tạo đều không được giải quyết thấu đáo. Nổi lên ở đây là việc xác định lại giá trị doanh nghiệp cứ dằng dai hết năm này qua năm khác mà không thể kết thúc được. Mãi đến tháng 4-2011, Bộ Giáo dục và Ðào tạo mới có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, nhưng, thật đáng tiếc, kết quả phê duyệt này lại không chính xác. Ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, công ty đã nhiều lần đề nghị bộ sửa chữa sai sót này để đưa vào hồ sơ bàn giao nhưng đến nay, bộ vẫn chưa sửa. Thống kê trong khoảng bốn năm này, Công ty cổ phần TBGD 1 lỗ gần 40 tỷ đồng. Giai đoạn kế tiếp được tính từ sau khi chuyển đại diện quản lý phần vốn nhà nước về NXB Giáo dục. Trên thực tế, đây cũng là sự kế thừa những hậu quả của thời kỳ bùng nhùng trước đó. Vẫn theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Ban chỉ đạo CPH của Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã không chờ kết quả xác định lại giá trị doanh nghiệp như đã thống nhất với Bộ Tài chính mà lại xử lý bằng cách đề nghị chuyển phần vốn nhà nước về NXB Giáo dục. Cách làm này xét từ góc độ Bộ Giáo dục và Ðào tạo mà nói thì vừa gọn nhẹ, tiện lợi mà đỡ lằng nhằng về trách nhiệm với Công ty cổ phần TBGD 1. Tuy nhiên, NXB Giáo dục tiếp nhận nhưng lại để đấy, đến thời điểm này, sau khi đã chi hơn 17 tỷ đồng để xử lý một số vấn đề vướng mắc sau CPH, hoạt động của Công ty cổ phần TBGD 1 sau bốn đời giám đốc vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Số lỗ vẫn tiếp tục phình ra do những hậu quả từ giai đoạn 1 để lại.

Cần sớm xử lý dứt điểm

Thua lỗ dai dẳng và chưa nhìn thấy hồi kết, bởi vậy việc tìm một giải pháp xử lý ổn thỏa đương nhiên là mối quan tâm hàng đầu của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, đơn vị đại diện cho 51% vốn nhà nước. Giải pháp "chữa cháy" được Bộ Giáo dục và Ðào tạo chọn như đã nêu trên là chuyển hết phần vốn nhà nước về cho NXB Giáo dục nắm giữ. Theo văn bản Bộ Giáo dục và Ðào tạo gửi Thủ tướng Chính phủ, cách làm này giống như đối với Công ty cổ phần TBGD 2. Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, bản chất hai sự việc này hoàn toàn khác nhau. Công ty cổ phần TBGD 2 có 88% vốn nhà nước; trong đó, 51% vốn do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quản lý, 37% vốn của NXB Giáo dục, cho nên việc chuyển phần vốn nhà nước về NXB Giáo dục là đúng, còn Công ty cổ phần TBGD 1 chỉ có 51% vốn nhà nước, còn lại là vốn của các cổ đông trong công ty và các nhà đầu tư bên ngoài, NXB Giáo dục nắm giữ 0% vốn. Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, nêu quan điểm quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước cần được chuyển giao về Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Ðến tháng 4-2011, mặc dù Bộ Giáo dục và Ðào tạo không xử lý được các vướng mắc còn tồn tại, nhưng việc chuyển giao phần vốn sang NXB Giáo dục vẫn được tiến hành.

Một cổ đông lớn của Công ty cổ phần TBGD 1 cho hay, việc không xử lý dứt điểm được quá trình chuyển giao vốn và tài sản của đại diện phần vốn nhà nước về công ty là nguyên nhân chính khiến các cổ đông hứng chịu cảnh thua lỗ. Và đến giờ, do chưa bàn giao được, các cổ đông hoàn toàn không biết vốn nhà nước có bảo đảm tỷ lệ 51% hay không. Cổ đông tư nhân (chiếm 49%) mua cổ phần bằng tiền thật. Nhưng oái oăm là thứ họ nhận lại chỉ là một tương lai ảo. Bởi lẽ, đại diện phần vốn nhà nước (cổ đông chi phối) không những không làm tròn trách nhiệm, mà như nhiều người nhận định, nhiều thời điểm đã bỏ mặc doanh nghiệp chơi vơi trên bờ vực phá sản. Sau hơn bốn năm CPH, các cổ đông của công ty chưa một lần được chia cổ tức. Họ đang hết sức sốt ruột vì không nắm rõ số tài sản quy đổi ra cổ phần còn được bao nhiêu, nếu như NXB chia lỗ đều ra thì họ sẽ bị thua thiệt rất lớn.

Thời điểm hiện tại, khi mọi việc phía trước còn chưa có gì sáng sủa, một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc khẩn thiết, cần làm ngay để cứu vãn tình hình thua lỗ tại công ty là bán bớt phần vốn này cho nhà đầu tư tư nhân, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc" đối với phần vốn nhà nước. Bởi doanh nghiệp này không nằm trong diện Nhà nước cần thiết nắm giữ cổ phần chi phối. Việc này vừa hợp lý, vừa hợp pháp, giữ được thương hiệu cho doanh nghiệp một thời từng là đơn vị hàng đầu trong ngành cung cấp thiết bị giáo dục trên cả nước khỏi sa vào tình cảnh phá sản. Giải pháp này có thể xử lý dứt điểm đối với tình trạng thua lỗ đáng báo động ở công ty, đã được nêu lên nhiều lần, nhưng "quả bóng" vẫn đang nằm trong chân đại diện quản lý phần vốn nhà nước, không rõ họ sẽ "sút" theo hướng nào?

TRẦN LÊ

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20374502-.html