Xử lý dứt điểm tồn tại, Vinaconex tăng tốc phát triển
Sáng 29-6, tại Hà Nội, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Trước đó, đáng chú ý, trong phần thảo luận, trả lời vấn đề cổ đông quan tâm dòng tiền âm (tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 1.500 tỷ đồng), ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, dòng tiền, nguồn vốn hay bất kỳ vấn đề liên quan đến tài chính đều thể hiện bằng con số và có báo cáo tài chính chính xác do công ty kiểm toán nằm trong BIG 4 kiểm toán và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Cụ thể về dòng tiền, theo ông Thanh, âm hay dương tùy vào thời điểm. Vinaconex có tình hình tài chính tốt, luôn được các ngân hàng chào đón vay vốn vì tài sản tốt. Việc thời điểm năm 2019 âm do đang trong giai đoạn đầu tư lớn trong khi lãi chưa phát sinh. Đặc biệt, năm 2019, có những dự án đầu tư lớn phải đặt ngay 600 tỷ đồng. Vinaconex đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư.
“Chúng ta đang triển khai những dự án lớn. Chúng ta đã được sơ tuyển đấu thầu 5 đại dự án lớn (dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn phía Đông – PV) và hy vọng Vinaconex được tham gia vào các dự án. Chúng ta có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng ban lãnh đạo sẽ cố gắng cao nhất” - ông Thanh nói.
Về vấn đề tăng vốn điều lệ (thông qua hình thức chào bán hơn 66 triệu cổ phần, tương đương 15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, cho cổ đông hiện hữu, với giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu), ông Thanh cho biết, Vinaconex đang đầu dự án lớn nên cần có tiền, ví dụ như làm dự án nghỉ dưỡng ở Phú Yên đã gần 1.000 tỷ đồng. Do vậy, tổng công ty phải tăng vốn để triển khai hiệu quả. Ông Thanh khẳng định: “Chúng tôi cam kết tăng vốn luôn đi đôi với đảm bảo quyền lợi của tất cả cổ đông”.
Về dự án còn nhiều quan điểm khác nhau trong các cổ đông lớn Vinaconex là dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora). Theo lãnh đạo Vinaconex, với tỷ lệ góp vốn 50%:50% (Vinaconex và CTCP Địa ốc Phú Long) “nên làm gì cũng cần sự đồng thuận cả 2 bên”, khiến dự án kéo dài, không cơ lợi.
“Do vậy, HĐQT đã tính chuyển nhượng phần vốn của mình cho CTCP Sovico hoặc cổ đông khác. Trường hợp Sovico muốn bán Vinaconex sẽ mua, và triển khai hiệu quả” - ông Thanh nói và khẳng định, Vinaconex muốn làm dứt điểm trong năm 2020.
Năm 2020, kế hoạch doanh thu hợp nhất được Vinaconex đặt ra là 9.530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 820 tỷ đồng và lần lượt bằng 96% và 104% so với thực hiện năm 2019. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Vinaconex năm 2020 đạt lần lượt 3.870 tỷ đồng và 803 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2019. Kế hoạch cổ tức năm 2020 là 12%, bằng 200% so với thực hiện năm 2019.
Ông Thanh khẳng định, kế hoạch này đã tính tới những tác động của dịch Covid-19 nhưng vì quyền lợi của cổ đông nên Vinaconex vẫn xây dựng kế hoạch tăng trưởng vì năm 2019 chỉ chi được cổ tức 6%, cổ đông đã có nhiều thiệt thòi.
Về các vấn đề khác liên quan đến quyền quyết định của cổ đông lớn, ông Thanh nhấn mạnh, quyền của cổ đông lớn luôn tuân thủ theo luật về tiền, quyền quyền quyết định… Nếu không đúng, cổ đông có thể kiện theo luật. HĐQT đã yêu cầu ban kiểm soát làm việc với Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và sau đó báo cáo HĐQT.
Kết quả kiểm phiếu tại đại hội đồng cổ đông Vinaconex sáng 29-6, cho thấy, 70,04% tán thành với kế hoạch kinh doanh năm 2020; tăng vốn điều lệ là 70,04%; 99,99% tán thành chuyển sàn niêm yết lên sàn HOSE; An Khánh: 99,93% tán thành… Tổng hợp lại, tỷ lệ cổ đông tham gia thông qua biên bản họp 99,96%; thông qua nghị quyết của đại hội 70%.