Xử lý gần 1 tấn dược liệu ẩm mốc ở làng nghề truyền thống Ninh Hiệp
Tại làng nghề truyền thống thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), vẫn có một số hộ kinh doanh chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) có truyền thống buôn bán vải, quần áo, thuốc nam, thuốc bắc từ nhiều năm nay. Với nghề truyền thống buôn bán từ lâu đời, đến năm 2009 Ninh Hiệp được UBND thành phố Hà Nội công nhận là “Làng nghề truyền thống thuốc nam, thuốc bắc”. Sau năm 2017, được tuyên truyền và hướng dẫn điều kiện sơ chế, sản xuất, phân loại các loại thuốc nam, thuốc bắc tại địa bàn đã được cải thiện.
Tuy nhiên, tại đây vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho hay: Việc nhận thức và hiểu biết pháp luật của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tại Ninh Hiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh thương mại và dịch vụ còn nhiều hạn chế, tình trạng kinh doanh không đúng ngành nghề, kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam... vẫn còn tiếp diễn.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Ban chỉ đạo 389 huyện tham mưu UBND huyện ra quyết định thành lập đoàn liên ngành 389 tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn xã Ninh Hiệp.
Trong năm 2018, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 16 vụ, xử lý gần 1 tấn hàng hóa dược liệu ẩm mốc, nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Thời gian tới BCĐ 389 huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, các phòng, ban, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội… hướng dẫn pháp luật tới người dân, thương nhân, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Các lực lượng chức năng sẽ thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với tuyên truyền tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.