Xử lý gần 270 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Ba tháng đầu năm, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang phát hiện, xử lý 268 vụ vi phạm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Ban Chỉ đạo 389/KG tỉnh Kiên Giang, 3 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, phát hiện, xử lý 268 vụ vi phạm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó có 97 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 171 vụ gian lận thương mại và hàng giả. Các đơn vị chức năng xử lý vụ việc thu nộp ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ đồng, khởi tố 6 vụ, 4 đối tượng.
Đối với khu vực biên giới, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu là thuê cư dân sinh sống hai bên biên giới sử dụng các phương tiện xe máy, ô tô, ghe, xuồng chạy với tốc độ cao, chia nhỏ lẻ hàng lậu vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Tinh vi hơn, các đối tượng thuê người giám sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu, có cảnh giới chặt chẽ trong lúc vận chuyển hàng, mang vác số lượng nhỏ, lẻ để khi bị phát hiện, truy đuổi dễ tẩu thoát, vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, thường xuyên chuyển hướng hoạt động, thay đổi thời gian vận chuyển hàng, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc nhanh, hiện đại.
Những vụ việc buôn lậu xảy ra chủ yếu trên tuyến biên giới Hà Tiên - Giang Thành và bắc đảo Phú Quốc, tập trung các mặt hàng như: thuốc lá điếu, các loại mỹ phẩm, đường cát, rượu ngoại các loại và buôn bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biên giới biển.
Cùng đó, trên thị trường nội địa của tỉnh, việc mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại diễn ra với các hành vi như: buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm đo lường, chất lượng, nhãn mác, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ và điều kiện quy định trong kinh doanh, an toàn thực phẩm…
Ông Ngô Công Tước, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389/KG tỉnh Kiên Giang cho biết, các lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường, hải quan và 389 huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp chặt chẽ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Qua đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, duy trì các chốt, trạm trên khu vực biên giới Hà Tiên - Giang Thành và trên biển.
Các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương vận động thương nhân ký cam kết và giám sát việc thực hiện cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả… Các địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là khu vực biên giới, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu.
Các lực lượng chức năng của tỉnh chủ động tăng cường thực hiện nhiều đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thường xuyên công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát theo chức trách, nhiệm vụ, địa bàn được giao. Trong từng thời điểm theo yêu cầu và tình hình thực tế, các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm, duy trì lực lượng chốt chặn tại các điểm trọng yếu kết hợp công tác phòng chống dịch COVID-19 để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu từ biên giới vào sâu thị trường nội địa.
Ban Chỉ đạo 389/KG tỉnh Kiên Giang dự báo, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là khu vực biên giới, trong thời gian tới sẽ gia tăng khả năng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là vùng biên giới thành phố Hà Tiên, huyện Giang Thành và bắc đảo Phú Quốc cả đường bộ và đường biển. Các đối tượng buôn lậu có khả năng tập trung vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân như: thuốc lá, khẩu trang y tế, xăng dầu, đường cát, rượu ngoại, hải sản…
Vì vậy, tỉnh tăng cường, triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn nhằm ngăn chặn hiệu quả, giảm thiểu tình trạng này, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại ở tỉnh Kiên Giang nhiều khó khăn, bất cập. Các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm khó bắt được đối tượng chủ mưu cầm đầu, vì các đối tượng này lợi dụng tình hình không có việc làm của một bộ phận cư dân biên giới để lôi kéo, mua chuộc, thuê mướn tham gia vào hoạt động vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới.
Trong khi đó, lực lượng chức năng trực tiếp làm chống buôn lậu còn mỏng, điều kiện phương tiện, trang thiết bị hạn chế nhưng quản lý địa bàn rộng với tuyến biên giới có rất nhiều đường mòn, lối mở và khu vực biển rộng lớn. Các đối tượng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để giành giật lại hàng hóa khi bị vây bắt.