Xử lý 'giặc quá tải' ở Hòa Bình: Không khoan nhượng, không có vùng cấm!
Nếu như trước kia tình trạng xe 'hổ vồ' chở vật liệu, đất đá, hàng hóa thường xuyên 'hoành hành' trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình khiến hạ tầng giao thông bị xuống cấp trầm trọng thì hiện nay đã giảm đáng kể.
Liên ngành mạnh tay, vi phạm "hạ nhiệt"
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải, trên tuyến đường Hồ Chí Minh ở cả thời điểm ban ngày và ban đêm, các dòng xe “hổ vồ” quá khổ đã được hạn chế hơn so với cách đây gần 1 tháng. Hầu hết các xe tải chở đất, đá lưu thông qua địa bàn các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn (Hòa Bình) đều được hạ thành và lưu lượng chở tải đã được hạn chế.
Một người dân sinh sống tại chợ Bến, huyện Lương Sơn, cho biết: “Thời gian gần đây, thấy ít xe lưu thông hơn, không còn cảnh hàng đoàn xe nối đuôi nhau đi và cũng không thấy nhiều xe cơi thành lên như trước”.
Có được như vậy là nhờ sự “mạnh tay” Sở GTVT và Phòng CSGT tỉnh Hòa Bình.
Trung tá Đinh Ngọc Tám, Đội trưởng Đội CSGT đường Hồ Chí Minh (CA tỉnh Hòa Bình) cho biết, khi lực lượng CSGT tiến hành tuần tra kiểm soát tại những "điểm nóng" xe quá tải hoạt động thì chỉ cần 1, 2 xe bị xử lý thì sẽ có "hoa tiêu" báo cho những xe còn lại biết.
Khi ấy, các xe quá tải sẽ nhanh chóng "trốn" vào các bãi đất ven đường để tránh sự kiểm tra. Hoặc sẽ nắm được vị trí mà tổ công tác làm việc, các tài xế sẽ cho xe chạy đường vòng.
Thậm chí các xe quá tải chạy hàng đoàn từ 5-7 xe, khi lực lượng CSGT ra hiệu dừng thì lái xe cố lao thẳng vào tổ công tác bỏ chạy thoát thân. Bởi vì, nếu lực lượng có dừng cũng chỉ dừng được 1 xe.
Một số xe khác chấp hành việc chở đúng tải trọng, khi CSGT cân không phát hiện được quá tải. Tuy nhiên chỉ cần lực lượng chức năng rời đi, mọi việc lại tiếp diễn, các xe lại chở quá tải. Cũng theo trung tá Tám, việc xử xe quá tải là nhiệm vụ thường xuyên được đơn vị quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của lái xe, của doanh nghiệp vận tải (DNVT) còn mang tính đối phó nên rất khó xử lý.
Theo trung tá Tám, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Hòa Bình có rất nhiều mỏ đất, mỏ đá (42 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất san lấp) cùng với đó ý thức của tài xế kém là những nguyên nhân khiến tình trạng xe quá tải còn tồn tại.
Ngoài lực lượng phối hợp liên ngành theo kế hoạch của công an tỉnh, đơn vị luôn bố trí 1 tổ cân lưu động chuyên tuần tra, xử lý xe quá tải trên đường 24/24h. Từ ngày 18/7 đến nay, Đội CSGT đường Hồ Chí Minh tổng kiểm tra 176 phương tiện, trong đó xử lý 39 trường hợp chở quá tải, cơi nới thành thùng, phạt tiền hàng trăm triệu đồng và thu giữ nhiều GPLX", trung tá Tám nói.
Còn ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho hay, ngoài việc tăng cường tuần tra, xử lý xe quá tải, Sở cũng chỉ đạo cho thanh tra phối hợp với các địa phương kiểm tra tận các mỏ vật liệu, xe nào quá tải sẽ cho xử lý ngay.
Một mặt, Sở sẽ tuyên truyền để các doanh nghiệp vận tải chấp hành việc chở đúng tải, mặt khác sẽ cử tổ công tác mật phục, kiểm tra, xử lý xe vi phạm từ đầu nguồn bốc xếp.
Cũng theo ông Hậu, trước đây, chỉ có một vài đơn vị (Sở GTVT, Phòng CSGT) phụ trách việc xử lý xe quá tải, nhưng hiện tại, với chủ trương của UBND tỉnh thì sẽ giao trách nhiệm cho từng ngành (Sở GTVT, Phòng CSGT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện...) phải phối hợp với nhau để kiểm soát tất cả tuyến đường.
"Khi phát hiện xe sai phạm thì sẽ xử phạt nghiêm, ở mức cao nhất thì mới có thể kiểm soát, xử lý xe quá tải. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cơ quan ban ngành, hy vọng tình trạng xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh sẽ được giải quyết trong thời gian tới", ông Hậu nhấn mạnh.
Xử lý không khoan nhượng, không có vùng cấm
Ông Ngô Văn Điềm - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình cho biết: Thời gian qua trạm cân TC38 đặt tại đường Hồ Chí Minh cũng đã xử lý gần 500 phương tiện xe chở quá tải, phạt tiền trên 2,5 tỉ đồng, tuy nhiên số lượng phạt này không phải là hết xe quá tải.
Theo ông Điềm, việc xử lý xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn do đây là tuyến giao thông huyết mạch, lưu lượng giao thông lớn, nên nếu chỉ mình trạm cân TC38 xử lý xe quá tải thì làm không xuể. Trong khi đó, theo kế hoạch của UBND tỉnh thì việc xử lý xe quá tải được phân cấp, phân quyền cho CSGT trên đường. Do vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt giữa TTGT và CSGT phụ trách tuyến trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Về thực trạng xe quá tải hoạt động đi qua địa phận trên đường Hồ Chí Minh nhưng không bị dừng cân tải trọng, trong đó có một số xe chở vật liệu xây dựng, ông Điềm thừa nhận lực lượng trạm cân Hòa Bình vẫn hoạt động 24/24h. Tuy nhiên, ban ngày xe quá tải đi rất ít vì lực lượng làm rất gắt gao, còn vào ban đêm xe quá tải thường lợi dụng đêm tối để vượt trạm.
Hơn nữa, thường lực lượng kiểm tra tải trọng xe chỉ kiểm tra được 2- 3 xe đã chật đường, nên lợi dụng tình hình này, các xe quá tải phía sau ùn ùn vượt trạm.
“Xe quá tải có đủ các chiêu trò chống đối, thậm chí thấy lực lượng chức năng thì khóa cửa bỏ đi. Và nếu xe khóa cửa bỏ đi theo quy định chúng tôi phải cắt cử cán bộ trông giữ xe cho họ, rồi vận động thuyết phục để người ta chấp hành cân tải. Nhiều ca khó phải mất cả tuần mới xử lý được.... Trong lực lượng ở trạm cân rất mỏng, chỉ vẻn vẹn 10 người chia làm 3 ca”, ông Điềm nêu khó khăn.
Trước đó, Tạp chí GTVT đã có loạt bài phản ánh sâu vấn nạn xe quá tải, chở vật liệu xây dựng từ các mỏ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tàn phá hạ tầng giao thông nhưng không bị xử lý. Ngay sau đó, Công an tỉnh và Sở GTVT Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu CSGT và TTGT xử lý vấn đề trên.