Xử lý hàng giả: Không chạy theo số lượng để lấy thành tích
'Lực lượng quản lý thị trường không chỉ đi kiểm tra cho đủ số lượng. Không chạy theo số lượng, cần đi thẳng vào bản chất của vụ việc. Giống như ông thầy cắt thuốc chữa bệnh, chúng ta cần tìm ra căn nguyên của nó' - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo
Tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Tuy quản lý thị trường là ngành dọc nhưng không thể tách đứng riêng một mình trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại. Cần phải đặt trong tổng thể hoạt động chung với các cơ quan chức năng của Chính phủ để thực hiện những nhiệm vụ chung".
Bộ trưởng yêu cầu từng cán bộ lực lượng quản lý thị trường phải quán triệt trong nhận thức, hiểu rõ tình hình trong bối cảnh mới. Bởi, trong thời gian tới, vấn đề hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại. Không chỉ liên quan đến thị trường trong nước mà liên quan cả thị trường nước ngoài. Có thể phải đấu tranh đánh chặn ngay từ khâu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Không dừng lại ở đó, còn liên quan đến lĩnh vực tạm nhập tái xuất, quy định pháp lý, tổ chức thực thi, có thể gây ra hệ lụy, từ đó tiếp tục phát sinh những gian lận thương mại và buôn lậu.
"Tôi cần lực lượng quản lý thị trường không chỉ đi kiểm tra để báo cáo số lượng bao nhiêu, ở những địa bàn nào. Không chạy theo số lượng, theo con số thống kê để chứng minh quản lý thị trường đã làm tích cực dù điều đó là rất tốt, mà cần đi thẳng vào bản chất của vụ việc", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đầu tiên, phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao? Không được chỉ dừng ở chỗ đi xử lý các vụ việc mà cần đánh thẳng vào tổ chức, trung tâm có quy mô, tinh vi trong kết cấu cả về vị trí lẫn không gian, phạm vị hoạt động. Cần đi vào thực tiễn. "Giống như ông thầy cắt thuốc chữa bệnh, chúng ta cần tìm ra được căn nguyên của nó", Bộ trưởng cho hay
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hàng giả đã và đang tràn lan trên thị trường, giả từ tất cả các mặt trong đời sống, từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, xăng dầu đến các sản phẩm may mặc. Giả từ cơ sở sản xuất cho đến các trung tâm phân phối lớn ở các thị trường.
"Đã đến lúc cần làm rõ quy mô tác động của nó đến phát triển kinh tế xã hội, phát triển thị trường, đến người tiêu dùng, đến doanh nghiệp và người sản xuất. Phải tìm ra nguyên nhân và cách thức xử lý", Bộ trưởng yêu cầu.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, mới đây, lực lượng chức năng TP.HCM tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel. Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh. Tổng số hàng hóa vi phạm về xuất xứ trị giá hơn 256,4 triệu đồng.
Tổng cục QLTT phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiểm tra hai Trung tâm mua sắm lớn tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Số lượng hàng hóa vi phạm tại hai trung tâm này có trị giá khoảng vài chục tỉ đồng.
Còn tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục QLTT Hà Nội) lập 4 tổ kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh lớn tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, thu giữ 2.670 sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng: kính mắt giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci; đồng hồ giả nhãn hiệu Hublot; quần áo giả nhãn hiệu Christion Dior, Nike, Adidas, Louis Vuiton...Tổng trị giá hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy ước khoảng trên 1 tỉ đồng.
Sản phẩm quần áo giả thương hiệu áo Christian Dior được bán ra từ 60.000 đồng, cao nhất là hơn một trăm nghìn đồng/sản phẩm. Trong khi theo bà Samantha, Quản lý cấp cao về bảo vệ thương hiệu các sản phẩm thời trang và sản phẩm da của Tập đoàn LVMH tại châu Á, một sản phẩm áo Christian Dior chính hãng có giá khoảng 600 euro (khoảng 15 triệu đồng).