Sau 8 năm thực hiện Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nói chung, áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn nói riêng, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính.
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (TP Hòa Bình) trồng rau cải thiện sinh hoạt. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về XLVPHC được triển khai dưới nhiều hình thức như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ năm 2013 - 2020, toàn tỉnh đã lồng ghép tổ chức 14.108 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, triển khai thi hành và áp dụng pháp luật XLVPHC (trong đó có áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn) cho 826.984 lượt người tham dự. Ngoài ra, các sở, ban, ngành thường xuyên cử cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác áp dụng pháp luật XLVPHC. Sở Tư pháp đã mở lớp tập huấn chuyên sâu cho gần 600 cán bộ, công chức là đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, Trưởng Công an, Chủ tịch UBND cấp xã về công tác XLVPHC, trong đó có nghiệp vụ lập, kiểm tra và quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn… Nhờ đó, công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Từ năm 2014 - 2020, toàn tỉnh đã lập 3.279 hồ sơ, ban hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 3.279 đối tượng. 100% hồ sơ đề nghị được Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định. Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Qua triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ANCT - TTATXH của địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quy định liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định trong 6 tháng vi phạm hành chính đến lần thứ 3 mới áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gây ra nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ từ 3 - 6 tháng, chưa đủ để cảm hóa, giáo dục người vi phạm. Quy định đối tượng vi phạm phải có mặt tại cuộc họp của Hội đồng xét duyệt để xét duyệt, công bố áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là khó thực hiện. Nhiều trường hợp người nghiện ma túy bị triệu tập nhưng cố tình trốn tránh không hợp tác, trong khi đó, nghị định không có chế tài xử lý những trường hợp này. Để việc thực hiện nghị định có hiệu quả hơn, thời gian tới, cần Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các nội dung còn bất cập, vướng mắc nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về XLVPHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong quá trình thi hành pháp luật. Sớm triển khai đưa vào hoạt động và có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc tra cứu, quản lý tình hình thi hành pháp luật XLVPHC thuộc phạm vi quản lý. Hải Linh