Xử lý hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 283/TB-VPCP ngày 8/8/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trong đó quy định: Yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi cộng cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tập trung đông người không cần thiết.
Như vậy, hiện nay để đảm bảo phòng, chống dịch thì mọi người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi cộng cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, đây là quy định bắt buộc. Đồng nghĩa, người nào không thực hiện là vi phạm quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Thậm chí, có thể bị coi là hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, nếu như họ đang bị bệnh này. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người không đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Xử lý vi phạm hành chính:
Theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trách nhiệm hình sự:
Người đang mắc bệnh, không đeo khẩu trang để cố tình làm lây lan dịch bệnh SARS-COV-2 cho người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.