Xử lý khủng hoảng chất thải ở Florida: Hóa giải chiêu bài 'đất hiếm' của Trung Quốc
Xử lý cuộc khủng hoảng chất thải ở Florida vừa giúp Mỹ bảo vệ môi trường, vừa góp phần đối phó với 'chiêu bài' đất hiếm của Trung Quốc.
Bloomberg nhận định, việc làm sạch chất thải phóng xạ từ các mỏ phốt pho cũ có thể là cơ hội để Mỹ cân bằng cuộc chiến với Trung Quốc về nắm giữ các nguồn tài nguyên chiến lược, trong đó có đất hiếm. Và, đây cũng là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm môi trường.
Theo thông tin từ BBC, Trung Quốc dùng đất hiếm làm con bài chủ trong cuộc thương chiến với Mỹ. Trung Quốc đã ra tín hiệu rằng họ có thể hạn chế xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Mỹ khi xung đột thương mại giữa hai nước leo thang.
Đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất của các nguyên liệu thô có tính sống còn đối với nhiều ngành công nghiệp của Mỹ bao gồm các ngành tăng trưởng cao như xe điện và sản xuất tuabin gió. Cơ quan khảo sát địa chất của Mỹ đã xác định các khoáng sản này rất quan trọng đối với nền kinh tế và quốc phòng nước này.
Việc hạn chế xuất khẩu sang Mỹ, nếu được thực hiện, có thể có tác động lớn đến các ngành công nghiệp lớn của Mỹ trị giá hàng nghìn tỷ USD dựa vào khoáng sản đất hiếm.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ năng lượng tái tạo, lọc dầu, điện tử,... Được gọi là "hiếm" vì chúng rất khó khai thác, loại tài nguyên này được cho là có ở trong lớp vỏ Trái Đất. Có rất ít nơi trên thế giới khai thác hoặc sản xuất đất hiếm bởi khai thác đất hiếm vừa khó khăn vừa có khả năng gây hại cho môi trường.
Hiện, các mỏ của Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Myanmar, Australia, Mỹ và một số quốc gia khác chỉ khai thác được một lượng nhỏ, chiếm 30% còn lại.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, khoảng 80% đất hiếm nhập khẩu của Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Estonia, Pháp và Nhật Bản cũng cung cấp đất hiếm đã qua xử lý cho Mỹ, nhưng quặng gốc từ Trung Quốc.
Mỹ khai thác mỏ đất hiếm và gửi quặng đến Trung Quốc để xử lý nhưng bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 25%. Do đó, Mỹ đã tính đến phát triển công nghiệp tinh chế đất hiếm của riêng mình.
Thông tin từ New York Times và Bloomberg cho hay, Mỹ đang thấy tiềm năng khai thác đất hiếm từ mỏ phốt pho cũ ở Florida. Quá trình xử lý chất thải rò rỉ tại đây vừa giúp bảo vệ môi trường vừa là cơ hội giảm phụ thuộc đất hiếm từ Trung Quốc.
Rò rỉ nước thải tại một mỏ phốt pho cũ ở Florida đã khiến chính quyền phát lệnh sơ tán và ban bố tình trạng khẩn cấp gần khu vực Tampa trong bối cảnh khối lượng lớn chất thải phóng xạ của mỏ có nguy cơ đổ sập. Việc dọn dẹp đống phốt pho khổng lồ bị lãng quên nằm rải rác ở Florida và các khu vực khác ở phía Đông Nam nước Mỹ có thể giúp giải quyết sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguyên liệu quan trọng nhập khẩu, đồng thời loại bỏ mối đe dọa thảm họa môi trường đang rình rập người dân địa phương.
Phốt pho là một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất phân bón từ đá phốt phát (phosphate). Cứ mỗi tấn axit photphoric hữu cơ được sản xuất thì thải ra hơn năm tấn phốt pho. Lượng chất thải này vô giá trị ở dạng thô do nồng độ uranium, radium và các kim loại nặng khác khiến nó trở thành chất phóng xạ độc hại, không thể sử dụng làm chất cải tạo đất hay vật liệu xây dựng.
Theo nghiên cứu, hiện có một lượng lớn đất hiếm và kim loại phóng xạ trong các đống phốt pho ở Florida. Tuy nhiên, đó không phải là những kim loại khan hiếm duy nhất có thể được tìm thấy trong quặng phốt pho. Đất hiếm là một tập hợp các nguyên tố quan trọng đối với các ứng dụng công nghệ cao như nam châm và tia laser. Một phân tích của nhóm nghiên cứ Mỹ-Trung năm 2017 cho thấy, đất hiếm hiện diện với tỷ lệ khoảng 0,2% trong đống chất thải khoảng 1 tỷ tấn ở Florida, tương đương với hai triệu tấn đất hiếm, đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong một thập kỷ.
Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã được thực hiện nhằm xem xét các quy trình tái chế phốt pho. Song, giá phốt pho, đất hiếm và uranium hầu hết đều được kiềm chế trong những năm gần đây nhằm hạn chế sự hấp dẫn thương mại của việc tái chế phốt pho trên thế giới.
Hàng năm, chính phủ Mỹ phải chi tiêu một khoản tiền đáng kể để giám sát và quản lý rủi ro tại mỏ phốt pho cũ ở Florida. Mỹ dự kiến dành khoảng 111 tỷ USD để làm sạch các đường ống dẫn nước và cơ sở hạ tầng về nước.
Dưới thời chính quyền Donald Trump năm ngoái, cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ đã cho phép sử dụng phốt pho dạng thô để làm vật liệu xây dựng đường xá. Song, chi phí xử lý chất thải ở đây quá cao khiến các nhà đầu tư còn e ngại.
Những cái ao khổng lồ lộ thiên có kích thước ngang cả khu nhà trong thành phố, trong đó chứa đầy nước thải độc hại, và ở phía dưới có rất nhiều chất thải phóng xạ.
Mới đây, các quan chức địa phương cho phép người dân được trở về nhà sau nỗ lực khẩn cấp bơm hàng triệu gallon nước ra khỏi ao và vào các tuyến đường thủy nội địa. Các tác động môi trường của việc thải ra một lượng lớn nước bị ô nhiễm vẫn chưa được đánh giá. Nhưng trong tuần vừa qua, "bóng ma" của một trận đại hồng thủy đã khiến chính quyền phải sơ tán hàng trăm hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng, khi những vũng nước khổng lồ bị sập, chất thải phóng xạ bị rò rỉ thì sẽ dẫn đến những mối nguy hiểm khôn lường. Môi trường sẽ bị ảnh hưởng do việc xả khẩn cấp nguồn nước ô nhiễm, vốn chứa nhiều chất có thể khiến tảo có hại nở hoa và làm chết cá.
Florida được đánh giá là khu vực sản xuất phốt pho lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng khai thác phốt pho ở Mỹ - nơi khai thác và tiêu thụ khoảng 23 triệu tấn phốt pho mỗi năm.
Khi các nhà máy nhiệt điện than phát điện, chúng sẽ để lại hàng trăm nghìn tấn cặn độc hại được gọi là tro than, được trộn với nước và đổ xuống các ao trong khuôn viên nhà máy.
Trên khắp nước Mỹ có hơn 700 bãi rác và các vùng nước lớn còn lưu trữ tro than do các nhà máy nhiệt điện than xả thải. Dưới thời chính quyền Obama đã có quy định đóng cửa các ao chứa tro than vào năm 2018. Hiện nay, các nhà chức trách khu vực Bắc Carolina cũng bắt đầu yêu cầu các công ty điện lực đào các ao chứa tro than theo luật mới của tiểu bang, đồng thời yêu cầu đóng cửa tất cả các ao chứa tro than vào năm 2029./.