Xử lý lái xe uống rượu bia - Bài 5: Từ mức phạt có tính răn đe cao ở Mỹ
Chính quyền Mỹ xác định hành vi lái xe khi máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Cảnh sát liên bang khuyến cáo rằng nếu trong một thời gian ngắn, tài xế uống nhiều đồ uống có cồn, hàm lượng cồn trong máu có thể tăng nhanh và tiếp tục tăng sau đó ngay cả khi tài xế đã ngừng uống, cơ thể chỉ loại bỏ được 0,15% nồng độ cồn/giờ, do đó, khi uống rượu bia, ngoài việc các bộ phận cơ thể bị tổn thương còn bị giảm thể lực và khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi, và điều khiển phương tiện giao thông trong trường hợp này dễ gây ra tai nạn và ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy lái xe khi đang say rượu chiếm khoảng 1/3 trường hợp tử vong liên quan đến giao thông. Để ngăn chặn, Mỹ nghiêm trị các hành vi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông, các biện pháp đề ra có tính răn đe cao khiến tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia được giải quyết một cách hiệu quả. Theo đó, lái xe trong lúc bị ảnh hưởng bởi rượu bia bị xem là "lái xe trong tình trạng suy giảm khả năng", cực kỳ nguy hiểm, có thể bị phạt nặng và thậm chí bị phạt tù.
Tại thủ đô Washington D.C, độ tuổi uống rượu hợp pháp là 21, đối với tài xế từ 21 tuổi, lái xe khi đang say rượu, có nồng độ cồn trong máu từ 80 microgram trở lên/100ml máu, có thể phải hầu tòa nếu nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng này. Trong khi đó, những người dưới 21 tuổi không thể mua, tiêu thụ hoặc tàng trữ bất cứ loại đồ uống có cồn nào. Nếu họ bị phát hiện đang vận hành xe mà trong xe chỉ cần chứa đồ uống có cồn có thể đo lường được, họ có thể bị bắt giữ và chịu hình phạt tương tự đối với người trên 21 tuổi phạm lỗi lái xe khi đang say rượu. Hậu quả của việc bị bắt và kết án đối với lần đầu vi phạm bao gồm bị giam giữ lên tới 90 ngày, thu hồi bằng lái 6 tháng, mức đóng bảo hiểm xe tăng vọt và phải trả hàng nghìn USD tiền phạt. Các mức phạt tương ứng sẽ tăng nặng ở những lần vi phạm tiếp theo. Ngoài ra, sau thời hạn bị giam giữ còn phải tham gia chương trình giáo dục, cải tạo dành cho người vi phạm lái xe trong tình trạng có độ cồn.
Bên cạnh đó, Mỹ tăng cường nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông bằng cách sử dụng phiếu phạt mang tính răn đe. Những ai từng lái xe ở Mỹ đều biết việc nhận phiếu phạt là “chuyện cơm bữa”. Mức xử phạt giao thông ở Mỹ rất nặng, không phải người dân nào cũng đồng tình.
Tuy nhiên, chế tài nộp phạt rất chặt chẽ và nghiêm khắc, nên người vi phạm chỉ có cách nộp phạt và cố gắng tránh vi phạm càng nhiều càng tốt. Một phiếu phạt ở mức 100 USD, hơn 2 triệu đồng Việt Nam, cho lỗi đỗ xe quá giờ vào lúc cao điểm khiến người vi phạm không khỏi "xót xa".
Ở nước Mỹ, luôn có một đội quân chuyên đi tuần trên đường để xử phạt lỗi đỗ xe. Lần đầu có thể 50 hay 100 USD, và có thể nhận thêm một phiếu phạt gấp đôi hoặc bị kéo về bãi nếu tiếp diễn hành vi này. Người tham gia giao thông không hài lòng khi nhận phiếu phạt, song vẫn nghiêm túc chấp hành bởi nếu không nộp thì bằng lái của họ có thể sẽ bị hết hiệu lực.
Trong khi đó, bằng lái xe được người Mỹ coi là cuộc sống, là một trong những công cụ ảnh hưởng lớn tới sinh kế của họ. Ngoài lực lượng đi tuần, những chiếc camera giao thông gắn nhan nhản khắp các ngã tư, trên các tuyến đường mới là những “cảnh sát giao thông vô hình” cho ra các phiếu phạt nhiều nhất. Chúng xử tất các lỗi, kiểu như vượt đèn đỏ, dừng đỗ, quá tốc độ… Ảnh chụp và phiếu phạt sẽ được gửi về tận nhà nơi chiếc xe đăng ký địa chỉ. Ở thủ đô nước Mỹ, một chiếc camera bắn tốc độ có thể mang về doanh thu tương đương gần 150 tỷ đồng Việt Nam trong một năm.
Tóm lại, những biện pháp mang tính răn đe cao nói trên đã phần nào phát huy hiệu quả, một mặt góp phần đáng kể làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mặt khác nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người Mỹ. Bên cạnh đó, chính quyền liên bang và các bang cũng đề cao hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các đơn vị, tổ chức liên quan để giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông do người lái xe sử dụng rượu bia và chất kích thích.