Xử lý lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ gặp nhiều khó khăn

Trước thực trạng nhiều hộ dân vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ tuyến Quốc lộ 20 (QL20), những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo đường thông, hè thoáng. Tuy nhiên, nhiều vị trí hành lang an toàn giao thông lại bị tái lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Người dân buôn bán lấn hành lang an toàn đường bộ QL20, đoạn trên địa bàn xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng

Người dân buôn bán lấn hành lang an toàn đường bộ QL20, đoạn trên địa bàn xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng

QL 20, đoạn từ chân đèo Prenn (Phường 3, TP Đà Lạt) tới xã Lộc An (Bảo Lâm) có cả trăm hộ dân buôn bán giáp hành lang an toàn đường bộ dọc hai bên đường. Trong quá trình kinh doanh, do thiếu mặt bằng, nhiều hộ đã tự ý lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử trên QL20, đoạn dưới chân đèo Prenn, nhiều năm nay hàng chục hộ kinh doanh buôn bán trái phép, lấn ra lộ giới hành lang đường trước Khu Du lịch thác Prenn. Đây là khu vực được nhìn nhận khá nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới an toàn giao thông trong thời gian dài. Điều đáng nói, tuy được các đơn vị, cấp chính quyền liên quan nhiều lần ra quân nhắc nhở cho tới xử phạt, đẩy đuổi… nhưng hiện việc buôn bán hàng rong tại khu vực trên vẫn “đâu lại hoàn đó”. Tương tự tại khu vực Ngã 3 Finôm (QL 20, đoạn qua xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) tầm 15h tới 20h mỗi ngày, thực trạng các hộ kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông lại diễn ra phổ biến. Người dân kinh doanh các dịch vụ ăn uống tại đây thường bày xe đẩy, ô dù, mái che ra sát mép QL20 tạo thành một góc chợ tự phát, buôn bán khá nhộn nhịp.

Theo ghi nhận, các vị trí ngã 3, ngã 4 giao nhau với QL20 chạy dài từ thị trấn Liên Nghĩa tới xã Lộc An, giáp ranh với TP Bảo Lộc là những vị trí thường xuyên vi phạm hành lang an toàn giao thông nhiều nhất. Thậm chí, vẫn có nhiều trường hợp các hộ tự ý “mượn” đất hành lang an toàn để tập kết cát, vật liệu xây dựng hay tự ý đấu nối đường trái phép đi ra quốc lộ, lắp ống cống không phép trong lòng rãnh thoát nước.

Tại thị trấn Liên Nghĩa, thị trấn Di Linh, các đơn vị cho biết, từ đầu năm tới nay, đã phối hợp với lực lượng công an, ban, ngành liên quan triển khai lực lượng, nhắc nhở, giải tỏa các hộ buôn bán, kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông nhiều lần. Cụ thể, cơ quan chức năng địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự thu dọn hàng hóa, vật liệu, tháo dỡ biển quảng cáo, mái che vi phạm. Lực lượng chức năng thị trấn Liên Nghĩa đã xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm, chây ỳ và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Vậy nhưng, trên thực tế tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn thường xuyên tái diễn ở một số khu vực. Nhiều người vẫn ngang nhiên bày bán hàng hóa, đặt biển quảng cáo, đổ vật liệu xây dựng, dừng, đỗ xe chiếm toàn bộ diện tích vỉa hè, thậm chí có nơi còn tràn xuống cả lòng đường…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2020, tại 6 huyện và thành phố có tuyến QL20 đi qua đã phát hiện trên 200 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, vi phạm xảy ra nhiều trên địa bàn một số huyện như: Đức Trọng, Di Linh, TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm.

Qua trao đổi, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT), cho biết: Thời gian qua, các địa phương, nhất là lực lượng công an, thanh tra giao thông đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các trường hợp che chắn, bày bảng hiệu, hộp đèn cản trở tầm nhìn, đổ đất… vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ tại các tuyến quốc lộ. Qua đó, các đơn vị liên quan đã kết hợp tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở hơn 300 trường hợp các hộ dân vi phạm.

Về nguyên nhân khách quan, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ chưa được xử lý triệt để một phần do ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn hạn chế. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm không đủ sức răn đe, lực lượng chức năng không có đủ nhân lực, phương tiện và khó khăn về kinh phí mỗi lần ra quân, giải tỏa vi phạm,… Ngoài ra, về nguyên nhân chủ quan, một số địa phương xử lý chưa quyết liệt; công tác vận động tự tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế giải tỏa chưa được thường xuyên,…

“Đây không chỉ là tình trạng cục bộ của một hay vài nơi mà đã trở thành thực trạng chung trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngay tại hai thành phố lớn như Đà Lạt, Bảo Lộc và các thị trấn thì câu chuyện tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn xảy ra” - vị lãnh đạo Sở GTVT tỉnh nhận định.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, để chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông QL20, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì địa phương, đơn vị nào có trách nhiệm thực hiện phải gắn việc duy trì công tác ký cam kết với các hộ dân kinh doanh trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ. Về phía Sở GTVT, đơn vị sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 xóa bỏ các điểm đấu nối, các đường dân sinh trái phép trên đường bộ và không để phát sinh thêm cũng như tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa nâng cấp, duy trì tuổi thọ của các công trình đường bộ được phân cấp quản lý, đảm bảo ATGT và mỹ quan đô thị.

C.PHONG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/202009/xu-ly-lan-chiem-hanh-lang-an-toan-duong-bo-gap-nhieu-kho-khan-3020804/