Xử lý mạnh tay doanh nghiệp nợ BHXH
Các biện pháp chế tài doanh nghiệp nợ BHXH được quy định trong luật nhưng khó áp dụng trong thực tiễn làm ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đến hết tháng 10-2023, tổng số tiền doanh nghiệp (DN) chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước là khoảng 14.650 tỉ đồng, bao gồm 4.164 tỉ đồng không có khả năng thu hồi. Lý do dẫn đến việc nợ BHXH là DN gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, đặc biệt là chế tài xử phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe.
Không sợ thanh tra, chỉ sợ khách hàng
Tại TP HCM, tính đến hết tháng 10-2023, có 17.742 DN chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, trong đó tại TP Thủ Đức có 2.655 DN nợ.
Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP Thủ Đức, cho biết để xử lý tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, từ đầu năm đến nay, BHXH TP Thủ Đức đã thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 114 DN, qua đó xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,7 tỉ đồng, thu hồi 9,2 tỉ/34 tỉ đồng tiền nợ.
Bên cạnh đó, BHXH TP Thủ Đức cũng phối hợp với Sở LĐ-TB-XH thực hiện thanh tra liên ngành 82 DN, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỉ đồng, khắc phục 12 tỉ/57 tỉ đồng nợ BHXH. Kết quả trên cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra DN nợ BHXH có mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong các nội dung thanh tra và quyết định xử phạt không làm rõ được khái niệm về hành vi trốn đóng vì luật hiện hành không quy định nên chủ yếu xử phạt lỗi chậm đóng, không thể áp dụng các biện pháp chế tài đối với hành vi trốn đóng theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính hiện chưa đủ mạnh nên không đủ sức răn đe DN. Bà Hòa nêu ví dụ một DN nợ BHXH hơn 19 tỉ đồng, BHXH TP Thủ Đức liên tục nhắc nợ hằng tháng, đề nghị Thanh tra sở, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH thực hiện thanh tra và ra quyết định xử phạt hành chính nhưng DN vẫn không khắc phục nợ. Nhưng khi chuẩn bị có đơn hàng từ nước ngoài thì DN này nộp ngay một lần 19 tỉ đồng cho cơ quan BHXH.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng hành chính - nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), nhìn nhận đoàn thanh tra của cơ quan BHXH hay Sở LĐ-TB-XH đến 5-7 lần đôi khi không hiệu quả bằng việc auditor (kiểm toán viên chuyên đánh giá trách nhiệm xã hội tại các nhà máy) kiểm tra DN. Khi phát hiện DN không khắc phục nợ BHXH, kiểm toán viên sẽ báo về công ty mẹ (đối tác của DN) và thông tin có thể được cập nhật lên hệ thống quốc tế.
Từ đây, các đối tác nước ngoài sẽ xem xét việc giao hay không giao đơn hàng; cho phép xuất hoặc không xuất hàng... Đây là các hình thức chế tài mà các DN rất lo vì không có đơn hàng thì không thể hoạt động. Do đó, hầu hết các DN sản xuất hàng hóa xuất khẩu và phải qua khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận từ nước ngoài thì thực hiện các chính sách rất tốt" - ông Sơn nói.
Xác định hành vi để chế tài
Phân tích thêm nguyên nhân về tình trạng DN nợ BHXH, ThS Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Mở TP HCM, cho hay quy định hiện hành cho phép cơ quan BHXH thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành BHXH ở 3 nội dung gồm đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng BHXH nhưng lại không cho phép tiến hành thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm ở một DN. Điều này dẫn đến việc DN tiếp tục nợ sau khi thanh tra, kiểm tra. Đáng lo nhất là hiện nay chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi này.
Bên cạnh đó, nay DN chậm đóng, nợ đóng BHXH có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị kiện ra tòa, thậm chí xử lý hình sự nhưng các quy định liên quan chưa cụ thể, chi tiết, nhất là về trình tự, thủ tục, trách nhiệm thực hiện của các bên liên quan như: cơ quan BHXH, điều tra, tố tụng, xét xử... khiến việc xử lý vấn đề nợ BHXH gặp nhiều khó khăn, không đạt được mục đích răn đe.
Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Hồng, ngoài thống nhất các khái niệm về "trốn đóng", "gian dối", "thủ đoạn khác"... để xác định hành vi, từ đó hoàn thiện các biện pháp chế tài xử lý phù hợp, nên có thêm quy định DN phải có số tiền bằng vốn điều lệ gửi tại Kho bạc Nhà nước khi đăng ký DN để xử lý các vấn đề phát sinh, ưu tiên dùng thanh toán tiền lương, trợ cấp cho người lao động (NLĐ) và nợ BHXH. "Cần bổ sung thẩm quyền cho phép thanh tra BHXH có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản DN đến khi trích nộp đủ tiền nợ BHXH theo quy định" - bà Hồng góp ý.
Theo ThS Phan Nguyễn Bảo Ngọc, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, hiện nay việc khởi kiện DN nợ BHXH của tổ chức Công đoàn đang bị ách tắc, trong đó nguyên nhân một phần là do vướng cơ chế ủy quyền khi cán bộ Công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ DN. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, nên quy định việc ủy quyền khởi kiện DN trốn đóng BHXH cho Công đoàn cấp trên.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường cho NLĐ trong trường hợp DN không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ, kịp thời BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. "Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH thì cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Theo tôi, nên giao thêm quyền này cho thanh tra lao động, bởi Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định cơ quan tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu thấy có dấu hiệu phạm tội thì thực hiện quyền kiến nghị khởi tố" - bà Ngọc đề xuất.
Truy thu khi phát hiện chênh lệch
Theo ông Trần Thanh Sơn, tiền lương của NLĐ thuộc danh mục đưa vào quyết toán thuế. Do đó, cơ quan BHXH có thể đối chiếu với dữ liệu của cơ quan thuế để tiến hành truy thu BHXH khi có sự chênh lệch. Song song đó, để hạn chế tình trạng DN trốn đóng BHXH, cần quy định các biện pháp chế tài như mức đóng BHXH phải đạt từ 70%-80% thu nhập, phần còn lại (phần DN quy vào các khoản phụ cấp, trợ cấp không đóng BHXH) phải áp mức thuế thật nặng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/xu-ly-manh-tay-doanh-nghiep-no-bhxh-2023112119455239.htm