Xử lý nghiêm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới
UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật vào địa bàn tỉnh Tây Ninh theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Luật Thú y và các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ biên giới vào địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt tập trung xử lý các trường hợp động vật nghi ngờ nhập lậu từ Campuchia.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm- nhất là các địa điểm tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển trâu, bò, heo, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Riêng các địa phương, UBND tỉnh đề nghị thống kê số liệu, kiểm soát đàn vật nuôi của địa phương, đặc biệt các xã có chung biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự câu kết, hợp thức hóa nguồn gốc đàn vật nuôi được vận chuyển, nhập lậu. Đồng thời chú ý các trường hợp hợp thức hóa, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng nêu rõ, lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới và địa bàn tỉnh quản lý dẫn đến tình trạng phát sinh dịch bệnh.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, heo, gia cầm, tôm hùm giống qua biên giới các tỉnh miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp.
Đặc biệt là qua biên giới Campuchia, Lào làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch hả heo châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm thể cực độc cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, cũng như nguy cơ động vật được cho ăn chất cấm để kích thích tăng trưởng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.