Xử lý nghiêm các trường hợp chống người thi hành công vụ
Từ 0 giờ ngày 15-3, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước đồng loạt ra quân xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy. Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân.
Ngày đầu ra quân, cơ bản người dân đều chấp hành tốt hiệu lệnh của lực lượng thực thi và quy định pháp luật. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số trường hợp chống người thi hành công vụ. Như vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 15-3, tổ công tác của Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên địa bàn quận Hà Đông thì phát hiện lái xe mô tô BKS 12S1-176.81 có biểu hiện sử dụng rượu, bia nên tiến hành dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả, tài xế Phạm Xuân Bằng, sinh năm 1979 vi phạm nồng độ cồn mức vi phạm 0,567 miligam/lít khí thở (vượt mức phạt kịch khung của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là 0,4 miligam/lít khí thở). Tài xế Bằng sau đó xin tổ công tác bỏ qua vi phạm nhưng không được nên đã chửi bới, lăng mạ các chiến sĩ CSGT. Không dừng lại đó, đối tượng còn đấm vào mặt Thượng úy Nguyễn Mạnh Tùng làm chiến sĩ CSGT này vỡ mắt kính, sưng đỏ vùng mặt.
Hành vi chống người thi hành công vụ xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ và ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhẹ là chửi bới, lăng mạ, nguy hiểm hơn là dùng vũ khí, hung khí, thậm chí điều khiển phương tiện đâm thẳng vào người thi hành công vụ. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ra đời nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất cao nên không ít đối tượng sợ bị phạt tiền đã chống đối, cản trở lực lượng thi hành công vụ quyết liệt hòng bỏ chạy, trốn tránh việc xử lý của pháp luật như trường hợp nêu trên. Điều 330 Bộ luật Hình sự quy định rất rõ và nghiêm khắc đối với hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, đó là với vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ bị xử lý hành chính. Đây cũng là nguyên nhân khiến các vụ việc chống đối người thi hành công vụ gia tăng, phức tạp.
Để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, đồng thời bảo vệ các lực lượng thực thi nhiệm vụ, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, các ngành chức năng cần nghiên cứu, ban hành quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong công tác, bảo đảm trật tự an toàn giao thông...