Xử lý nghiêm các vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi
PTĐT - Thời gian qua, công tác quản lý, đầu tư, bảo vệ đê điều, trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều...
PTĐT - Thời gian qua, công tác quản lý, đầu tư, bảo vệ đê điều, trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng… đang diễn ra đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê; gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão của các địa phương.
Qua kiểm tra của Sở NN và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 118 trường hợp vi phạm Luật: Đê điều; Thủy lợi; trong đó có 101 trường hợp vi phạm hành lang đê điều, lòng, bãi sông; 17 vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Hầu hết các vi phạm đều tập trung ở những nơi có tuyến đê và kênh mương đi qua khu vực đông dân cư. Các vi phạm chủ yếu là xả nước thải, chất thải chăn nuôi vào công trình thủy lợi; trồng cây lâu năm trong phạm vi đập, mái kênh; xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Xây dựng nhà điều hành, nhà xưởng kiên cố, trạm trộn bê tông… khi chưa được cấp phép hoặc tại khu vực không được phép xây dựng; đổ đất tôn cao nền bãi ngoài sông, không thanh thải vật liệu trong hành lang thoát lũ gây cản trở dòng chảy và thoát lũ; hoạt động bến thủy nội địa không phép…Mặc dù UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành, thị đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi trước mùa mưa bão, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, số vụ tồn đọng còn nhiều, còn phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm, gây khó khăn cho việc xử lý. Nguyên nhân do hầu hết các công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới; tuyến đê kết hợp đường giao thông; phát sinh bến thủy nội địa. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai chưa được sâu rộng. Một số nơi, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đê điều; buông lỏng việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền cơ sở với Hạt Quản lý đê chưa chặt chẽ, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý chưa kịp thời và triệt để. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân không cao, chưa nhận thức đúng quy định pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi nên đã tận dụng diện tích đất chân đê, bờ đê để canh tác; đổ phế thải… trong phạm vi bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi còn diễn ra phổ biến. Việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi dọc các tuyến sông còn diễn ra phức tạp…Ngày 17/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 4269/UBND-KTN về việc “Tăng cường công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai”. Trên cơ sở đó, Sở NN và PTNT đã hoàn thành đánh giá, thống kê toàn bộ các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thủy lợi để phân công, phân cấp trách nhiệm giữa cấp tỉnh và cấp huyện; giữa quản lý công trình và đơn vị, tổ chức khai thác công trình thủy lợi; giúp cho việc thanh tra xử lý vi phạm đảm bảo tính nghiêm minh trong thực hiện pháp luật. Các huyện, thành, thị chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy lợi, Luật Đê điều đến các tổ chức, cá nhân để mọi người dân biết thực hiện, từng bước hoàn thiện công tác cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; tăng cường công tác kiểm tra, để kịp thời ngăn chặn, phát hiện những phát sinh mới và kiên quyết xử lý. Trường hợp các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm đề xuất với tỉnh, các cấp, ngành có thẩm quyền kiên quyết không gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động… góp phần bảo đảm an toàn cho các tuyến đê và các công trình thủy lợi.