Xử lý nghiêm, chặn đứng hiện tượng 'nhóm lợi ích', 'cánh hẩu'
Tuần qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục thi hành kỷ luật một số tổ chức, cá nhân có vi phạm. Theo Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp), kỷ luật hành chính được tiến hành đồng bộ, kịp thời với kỷ luật Đảng trong thời gian gần đây tiếp tục phản ánh tính nghiêm minh, là căn cứ thực thi trong công tác cán bộ, tránh hiện tượng 'đặc quyền', 'nể nang', 'nhóm lợi ích', 'cánh hẩu' như khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong cơ quan công quyền. Điều này góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân và đội ngũ cán bộ về quy trình, quy chuẩn trong công tác cán bộ của Đảng.
Là "gương tày liếp" để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự rèn luyện
- Tuần qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét quyết định thi hành kỷ luật với 3 cán bộ cấp Trung ương, trong đó có cán bộ giữ vị trí người đứng đầu. Điều này một lần nữa cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có điểm dừng, không có vùng cấm, thưa ông?
- Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật Đảng với 3 cán bộ có vi phạm trong tuần qua đều được tiến hành công minh, chính xác, kịp thời, tiếp tục khẳng định nền nếp trong việc xử lý kỷ luật cán bộ có vi phạm. Đặc biệt, các trường hợp xem xét kỷ luật vừa qua đều thực hiện phương châm kỷ luật Đảng đi trước, mở đường, sau đó công tác kỷ luật hành chính được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, song hành với kỷ luật đảng mà chúng ta đã rút ra thành bài học kinh nghiệm trong tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thông qua việc xử lý nghiêm minh những vụ việc này cho thấy, Đảng đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước. Đến nay, công tác này đã có những bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện đã trở thành xu thế, thành phong trào.
- Kỷ luật Đảng đi trước, mở đường và kỷ luật hành chính được tiến hành ngay sau đó một cách đồng bộ, kịp thời. Ông nhìn nhận như thế nào về cách làm mới này?
- Việc xem xét kỷ luật Đảng trước và tiến hành kỷ luật hành chính với cán bộ, đảng viên có sai phạm vừa qua đã được thực hiện rất kịp thời, rất trách nhiệm. Cùng với kỷ luật Đảng, những trường hợp tổ chức, cá nhân xảy ra vi phạm đều được cơ quan chính quyền xem xét xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ như, hai trường hợp là ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thì ngay sau khi Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật Khai trừ Đảng, thì Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với 2 cá nhân này. Dư luận cử tri và nhân dân đánh giá cao cách thức này.
Việc xem xét thi hành kỷ luật về hành chính được thực hiện đồng bộ, kịp thời với kỷ luật Đảng cũng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tại Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6.7.2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trong đó khẳng định rất rõ một trong những nguyên tắc xử lý kỷ luật, đó là "kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật". Đảng viên bị kỷ luật về đảng, thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.
Chúng ta cần quyết liệt, cương quyết, hành động mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện đúng điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, để “củi tươi, củi khô vào lò cũng phải cháy”, cán bộ sai phạm tới đâu xử lý tới đó. Ví dụ điển hình gần đây là vụ việc đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương liên quan đến vụ án "Việt Á". Dư luận cử tri và nhân dân mong muốn, những ai vi phạm liên quan đến vụ án Việt Á, cần phải được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai.
Theo tôi, một trong những giải pháp trọng tâm làm nên thành công trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách về công tác cán bộ, gắn trực tiếp trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công việc này. Đặc biệt, phải công tâm, khách quan trong xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận xấu hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Với việc kỷ luật hành chính được tiến hành đồng bộ, kịp thời với kỷ luật Đảng đã một lần nữa phản ánh tính nghiêm minh, là căn cứ thực thi trong công tác cán bộ, tránh hiện tượng “đặc quyền”, “nể nang”, bệnh “cánh hẩu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong các cơ quan công quyền. Điều này góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân và đội ngũ cán bộ về quy trình, quy chuẩn trong công tác cán bộ của Đảng. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong tuần qua tiếp tục là "gương tày liếp" để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự tu dưỡng, rèn luyện trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.
Khẳng định quan điểm không có điểm dừng, phát hiện đến đâu xử lý đến đó
- Trong các cán bộ bị xem xét kỷ luật Đảng tuần qua có những cán bộ liên quan đến vụ việc sai phạm được phát hiện trước đó, cụ thể là vụ việc liên quan đến những "chuyến bay giải cứu" công dân về nước do dịch Covid-19. Việc tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh cán bộ liên quan có sai phạm có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trong các cán bộ bị xem xét kỷ luật tuần qua có 2 cán bộ nằm trong chuỗi các cán bộ vi phạm được phát hiện trước đó với hàng chục cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố do có vi phạm trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19. Các cán bộ này được đánh giá là thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Các vi phạm của họ gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong xã hội; làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng. Điều này cho thấy, việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là không có điểm dừng, thực hiện đúng phương châm phát hiện đến đâu xử lý đến đó, không chờ đợi, đúng người, đúng tội.
Cách thức xử lý nghiêm minh này cũng được áp dụng với vụ việc "Việt Á" được khởi tố cách đây 1 năm và đang được điều tra, làm rõ.
- Qua xử lý những vụ việc cụ thể gần đây liên quan đến "chuyến bay giải cứu", hay "Việt Á"... đã cho thấy rất rõ hiện tượng một số quan chức thoái hóa, suy thoái “bắt tay” với doanh nghiệp “đen”, hình thành "nhóm lợi ích", "đường dây", "cánh hẩu"... Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?
- Trong Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Ủy ban Tư pháp đã nêu rõ, thời gian vừa qua, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Nhưng, hiện tượng một số cán lãnh đạo thoái hóa, biến chất móc nối với các doanh nghiệp tiêu cực bên ngoài để lũng đoạn, thâu tóm lợi ích vật chất, ngân sách nhà nước bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp không phải mới mà đã xuất hiện từ lâu.
Sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp là hành vi đặc biệt nghiêm trọng phải được xem xét, xử lý thích đáng, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ trước đây hiện tượng "nhóm lợi ích" này chưa bị phát hiện nhiều là bởi một số nơi còn “dĩ hòa vi quý”, né tránh, hoặc cũng có thể "làm chưa tới". Nhưng hiện nay, với sự quyết tâm chính trị rất cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, liên tục của Đảng, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng đã liên tiếp phanh phui nhiều vụ việc, không chỉ những vụ án, vụ việc mới, mà cả với những vụ việc cũ từ những năm trước đó.
Xin cảm ơn ông!