Xử lý nghiêm chủ đầu tư thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo (184/TB-VPCP) kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tại Hội nghị trực tuyến với 5 địa phương là TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long.
Ráo riết đốc thúc, nhiều địa phương đã bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công Phân cấp càng mạnh, giải ngân vốn đầu tư công càng hiệu quả
Công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt
Tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 phân bổ cho TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long tương đối lớn (hơn 92 nghìn tỷ đồng), chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Các địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý I vừa qua còn ở mức thấp dưới mức trung bình cả nước.
Nguyên nhân được các bộ, ngành, địa phương báo cáo, chủ yếu tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn. Thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Việc cập nhật, rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi của thị trường, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, góp phần tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như: Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023, Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân từ 95% - 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Các dự án vốn nước ngoài giải ngân chậm do thời gian lập đề xuất dự án đến triển khai thực hiện kéo dài, thủ tục gia hạn hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian. Năng lực một số nhà thầu tư vấn còn yếu kém dẫn đến chất lượng công tác tư vấn, hồ sơ còn hạn chế.
Tại kết luận, ngoài việc biểu dương và ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền 5 địa phương trong công tác triển khai nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu 5 địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023.
Do đó, các địa phương cần tập trung khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của địa phương theo quy định, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.
Xử lý chủ đầu tư thiếu trách nhiệm
Phó Thủ tướng yêu cầu việc chuẩn bị đầu tư dự án và thực hiện đầu tư phải triển khai sớm để đưa vào kế hoạch như: giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, giao thầu, năng lực của các ban quản lý dự án…
Đồng thời, các địa phương phải có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Phó Thủ tướng giao lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra đôn đốc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập; đồng thời rà soát các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xây dựng, định giá đất, khai thác tài nguyên, khoáng sản (đất san lấp, cát, sỏi), hải quan, y tế… để kịp thời xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Tổ công tác số 1, thực hiện rà soát, tổng hợp các số liệu của các địa phương sát với tình hình thực tế, nhất là số liệu về giải ngân và phân bổ vốn đầu tư công; tiếp thu ý kiến, những nguyên nhân tồn tại khách quan, chủ quan, khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ hiệu quả trong thời gian tới, tổng hợp chung báo cáo kết quả của Tổ công tác số 1 cùng với các tổ công tác khác, báo cáo Chính phủ./.