Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thiết bị điện trục lợi bất chính, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng
Tổng cục Quản lý thị trường ban hành công văn số 1164/TCQLTT-CNV ngày 8/6/2023 về việc tăng cường kiểm tra các quy định pháp luật đối với mặt hàng thiết bị điện trước nhu cầu của người dân tăng cao đối với mặt hàng này.
Công khai tên đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị điện có hành vi vi phạm
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian gần đây, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước dẫn đến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện (máy phát điện, quạt tích điện, thiết bị làm mát…) của người dân tăng cao.
Do nguồn cung những mặt hàng này còn hạn chế, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để trục lợi bất chính, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng trên và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện một số nội dung:
Tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) đối với các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như máy phát điện, các loại quạt tích điện, thiết bị làm mát tiết kiệm điện…
Trong quá trình kiểm tra, các đơn vị cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa. Các vi phạm phải được xử lý nghiêm và công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức
Này 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Chỉ thị nêu rõ, nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức do:
- Tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu;
- Sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu;
- Nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế;
- Nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân khoảng 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt triển khai, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở, các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời khuyến khích triển khai các chương trình điện mặt trời mái nhà trong doanh nghiệp và hộ gia đình,...