Xử lý nghiêm để làm gương
Sự cố nghi vấn lộ đề thi kiểm tra môn Vật lý lớp 7, học kỳ II, năm học 2019 -2020 tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) vào đầu tháng 7 vừa qua buộc nhà trường phải tổ chức thi lại.
Để đảm bảo công bằng cho học sinh, nhà trường đã sử dụng đề dự phòng làm đề thi chính học kỳ II đối với các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh khối lớp 6, 7, 8 và môn Hóa học lớp 8. Vụ việc đang được nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng của TP.Quảng Ngãi tiến hành điều tra làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng qua đó cho thấy công tác bảo mật đề thi của nhà trường là chưa tốt.
Với sự việc trên, thoạt nghe tưởng chừng đơn giản, có người cho rằng đây chỉ là kỳ thi hết học kỳ, không phải là kỳ thi tuyển sinh nên không cần thiết phải “làm lớn” vấn đề. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì: “Đề thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố” đều thuộc Danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật trong ngành GD&ĐT.
Vì thế, người có hành vi để lộ đề thi có thể bị xử phạt hành chính lên đến 50 triệu đồng. Với những trường hợp nghiêm trọng thì theo Điều 337 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trường hợp làm lộ bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật có thể bị phạt đến 10 năm tù. Phạm tội có tổ chức có thể bị phạt đến 15 năm tù...
Quy định của pháp luật là vậy, song tình trạng để lộ, lọt đề thi vẫn còn diễn ra, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân, vì lâu nay chúng ta vẫn thường nghe học sinh xì xầm với nhau là bạn này, bạn kia biết nội dung đề thi trước. Trở lại với câu chuyện lộ đề thi ở Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi, những cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ ra đề, tổng hợp đề và quản lý đề thi thì không thể nói là không biết đề thi thuộc Danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật trong ngành GD&ĐT, vì trước khi được giao nhiệm vụ, lãnh đạo nhà trường đều quán triệt những quy định này. Vậy nên, sự việc trên có thể là hành vi cố ý, cần được xử lý nghiêm để làm gương, nhằm đảm bảo tính công bằng trong thi cử và tạo niềm tin trong nhân dân.
Bài học về vụ án can thiệp vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La vừa qua khiến nhiều cán bộ ngành giáo dục, công an, giáo viên phải vào tù đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là nỗi đau rất lớn đối với ngành giáo dục; nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của người dân vào ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.
Hiện nay, tỉnh ta đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra an toàn, đúng quy chế thi, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác GD&ĐT ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, mỗi cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ tại 2 kỳ thi này phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt các quy định trong công tác thi cử; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát độc lập đối với các bộ phận được giao nhiệm vụ. Không nên để chuyện đã xảy ra rồi mới họp rút kinh nghiệm...
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/202007/xu-ly-nghiem-de-lam-guong-3011631/