Xử lý nghiêm hành vi bắt giữ người trái pháp luật

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc bắt, giữ người trái pháp luật bị xã hội, dư luận lên án và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, nhằm kiên quyết đấu tranh với dạng tội phạm này để ổn định trật tự, giữ gìn kỷ cương xã hội.

Công an bắt giữ nhóm đối tượng tham gia một vụ bắt giữ người trái pháp luật ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Danh

Công an bắt giữ nhóm đối tượng tham gia một vụ bắt giữ người trái pháp luật ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Danh

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, việc bắt, giữ, giam người, khám chỗ ở, kiểm soát thư tín... của công dân phải do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành và phải theo đúng quy định pháp luật. Hành vi trên nếu cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bị phạt tù từ 6 tháng tới 12 năm.

* Ngang nhiên bắt, giữ người trái pháp luật

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ ngang nhiên bắt, giữ người trái pháp luật gây bức xúc trong dư luận. Gần nhất là chiều tối 14-6, trong lúc tuần tra trên địa bàn phường, tổ tuần tra Công an P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) phát hiện một nhóm người đang khống chế, đánh đập ông N.V.P. (ngụ TP.HCM) ở đoạn đường thuộc KP.4, P.Tân Hạnh. Qua xác minh, cơ quan công an xác định Nguyễn Nhân Lực (36 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Phước) là chủ mưu và cùng 4 người khác trong việc bắt giữ và đánh đập ông P. Nguyên nhân xuất phát do đôi bên mâu thuẫn trong việc làm ăn.

Trước đó, ngày 19-3-2020, Công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Thanh Loan (60 tuổi, ngụ TP.HCM) về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản; Trần Anh Quốc và Nguyễn Thị Thảo Hiền là con trai và con dâu bà Loan bị khởi tố để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Theo thông tin từ Công an TP.Biên Hòa, khoảng đầu năm 2020, ông T.V.S. (64 tuổi, chồng bà Loan) có quan hệ tình cảm với chị K.T. (22 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa). Ngày 24-2, nhóm của bà Loan tổ chức theo dõi ông S. để đánh ghen. Khi thấy ông S. và chị T. xuống xe taxi Grab ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), nhóm này đã chặn chị T. lại, bắt chị T. lên xe chở đến một căn nhà ở TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Tại đây, nhóm người của bà Loan dùng kéo cắt tóc chị T. và dùng điện thoại quay lại. Bà Loan còn lục túi của chị T. lấy 9 triệu đồng, điện thoại cùng giấy tờ rồi bắt chị T. viết giấy cam kết không quan hệ tình cảm với ông S. nữa. Sau khi được thả về, chị T. đến Công an TP.Biên Hòa trình báo sự việc.

* Đối diện với pháp luật

Luật gia Vòng Khiềng nhấn mạnh, Điều 157, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-7 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%.

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5-12 năm: làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Cũng theo luật gia Vòng Khiềng, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đủ yếu tố cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người phạm tội phải đối diện với mức án từ 3 tháng đến 12 năm tù giam. Đây là mức hình phạt tương đối nghiêm khắc cho những ai xem thường tính mạng, sức khỏe, quyền dân sự bất khả xâm phạm của công dân. Đồng thời, điều luật cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe những ai có ý định đánh ghen, dùng bạo lực để đòi nợ hoặc giải quyết mâu thuẫn cá nhân.

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, Khoản 1, Điều 157, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thuộc Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi) có mức hình phạt tù từ 3-15 năm; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377) có khung hình phạt từ 6 tháng đến 12 năm.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202007/xu-ly-nghiem-hanh-vi-bat-giu-nguoi-trai-phap-luat-3013681/